Một phác thảo về dòng chảy văn chương Nam bộ

Thứ Tư, 02/04/2025 18:00 GMT+7

Google News

Cuốn sách Góp lời cho văn chương phương Nam (NXB Đà Nẵng, 2025) do PGS-TS Võ Văn Nhơn chủ biên và viết giúp độc giả nắm được các dấu mốc quan trọng của văn chương phương Nam từ khi hình thành cho đến những tác phẩm gần đây.

13 tác giả tham gia vào sách này là các giảng viên, nhà nghiên cứu, học viên cao học, trong đó trẻ nhất là Đinh Phạm Phương Thảo sinh năm 2000. Sách vừa có buổi tọa đàm khoa học và ra mắt tại Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM vài ngày trước.

Từ những nền tảng ban đầu

Mở đầu là bài viết Đi tìm đặc điểm văn học quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, điểm qua những tác giả, tác phẩm tiên phong như Chuyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ (1884), Truyện ngụ ngôn của Pháp (1884 - 1885), Tê Lê Mặc phiêu lưu ký (1885 - 1887), Ký sự Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876), Chư quấc thại hội (1891), Ai làm được (1919) của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Thiên Trung, Tiền căn báo hậu (1920) của Lê Hoằng Mưu, Tây phương mỹ nhơn (1928) của Huỳnh Thị Bảo Hòa…

Một phác thảo về dòng chảy văn chương Nam bộ - Ảnh 1.

Tập sách “Góp lời cho văn chương phương Nam”

Hầu hết các tác phẩm thời kỳ mở đầu này đậm đà tình yêu nước, tinh thần dân tộc, phản kháng thực dân Pháp và giàu tính đạo lý của người dân đất phương Nam: trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, ngang tàng. Trong mấy chục năm từ cuối thế kỷ XIX đến thập niên 1930, văn chương quốc ngữ Nam bộ đã sáng tác hàng trăm tác phẩm của mấy chục tác giả, đóng góp to lớn vào kho tàng văn học dân tộc.

Sau bài tổng quát, Võ Văn Nhơn và các cộng sự lần lượt phân tích các dấu mốc làm nên tiến trình phát triển của văn học quốc ngữ Nam bộ. Năm 1881, vở kịch Tuồng cha Minh được thừa sai người Pháp Marie-Antoine Louis Caspar sáng tác và xuất bản tại Sài Gòn, đây là vở kịch quốc ngữ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Mãi 3 thập niên sau, năm 1912, kịch bản hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ do người Việt sáng tác mới ra đời, đó là Tuồng thương khó của Nguyễn Bá Tòng. Tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản ra đời vào năm 1887.

Một phác thảo về dòng chảy văn chương Nam bộ - Ảnh 2.

Tọa đàm khoa học và ra mắt sách

Từ những tác phẩm khởi đầu gợi cảm hứng ươm mầm, nền văn chương phương Nam nảy nở sôi động suốt mấy mươi năm. Điển hình, truyện ngắn và tiểu thuyết ở chiến khu Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 đã đáp ứng được nhu cầu cổ vũ sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc. Các tác phẩm xây dựng những hình tượng nhân vật là con người biết vượt lên những khó khăn gian khổ của cuộc sống vật chất, tự nguyện hy sinh cho lý tưởng...

Đến văn học tuổi mới lớn, và…

Nghiên cứu dòng văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng, đồng tác giả Nguyễn Bảo Châu - Võ Văn Nhơn đánh giá: sau vài thập niên đã có sự tiến bộ vượt bậc về chất lượng và số lượng tác phẩm qua hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, Lê Văn Nghĩa, Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền, Phan Hồn Nhiên…

Một phác thảo về dòng chảy văn chương Nam bộ - Ảnh 3.

Chủ biên là PGS-TS Võ Văn Nhơn

Một trong những cây bút nữ nổi bật của miền Nam là Lý Lan, đã góp phần tạo dấu ấn trong dòng chảy văn học miền Nam qua Tiểu thuyết đàn bà. Trương Hoàng Khanh - Võ Văn Nhơn đã phân tích ở góc nhìn phê bình nữ quyền sinh thái. Những thân phận phụ nữ trong và sau chiến tranh cố gắng tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm hạnh phúc trong hành trình "phản tỉnh" về bản thân, cuộc sống, về gia đình... Trăn trở của tác giả cũng là suy ngẫm của con người thời hiện đại đối diện với sự thay đổi xã hội, với quá trình đô thị hóa, mất mát của tự nhiên, môi trường, rừng cây, không gian yên ả của làng quê.

Khép lại tập sách này, Hà Thị Thới - Võ Văn Nhơn giới thiệu chân dung tác giả trẻ Trương Chí Hùng qua ba tập bút ký Man mác Vàm Nao (2019), Nẻo đời phiêu bạt (2021), Con nước tha hương (2024). Những câu chuyện của Trương Chí Hùng là những hoài niệm tuổi thơ, những rung cảm về cảnh đời, phận người miền Tây Nam bộ và những vùng đất khác. Khủng hoảng biến đổi môi trường là câu chuyện mang hơi thở đương đại phản ánh biến chuyển của thời gian.

Với sự kết hợp giữa những lát cắt lịch sử và những góc nhìn phê bình hiện đại, cuốn sách góp phần tô đậm bản sắc văn chương phương Nam trong dòng chảy chung của văn học dân tộc.

Lê Ngọc Hân

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›