Trong nhiều thập kỷ, nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie đã phải nhiều lần đối mặt với áp lực khủng khiếp từ thế giới Hồi giáo sau khi ông phát hành cuốn The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan) năm 1988. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì với những sáng tác mới của mình. Nhà văn vừa tròn 75 tuổi vào hôm 19/6.
Văn hóa hậu thuộc địa và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo được coi là thương hiệu của Rushdie (sinh năm 1947), cũng như vô số tư liệu về các sự kiện thế giới và văn hóa đại chúng mà ông xây dựng thành các tác phẩm đa dạng như: The Moor’s Last Sigh (Tiếng thở dài cuối cùng của người Moor - 1995), hay The Ground Beneath Her Feet (Mặt đất bên dưới chân của cô ấy - 1999, một biến thể của huyền thoại về chàng Orpheus và nàng Eurydice trong thần thoại Hy Lạp).
Viết để tồn tại
Gia đình Rushdie đến từ khu vực phía bắc Kashmir và cha ông trở thành một doanh nhân thành đạt, lập nghiệp ở Delhi (Ấn Độ). Do đó, họ có khả năng để gửi con trai của mình đến trường nội trú của Anh khi mới 14 tuổi.
Năm 1964, Rushdie nhập quốc tịch Anh và lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính để viết lách. Ông học lịch sử tại King’s College ở Cambridge và tham gia các khóa học về sân khấu trước khi tốt nghiệp vào năm 1968. “Tôi là đại diện tiêu biểu của thế hệ những người tốt nghiệp năm 1968” - Rushdie sau đó đã nói về mình.
Trong những năm đầu của cuộc đời làm nghề, Rushdie làm việc với vai trò của một nhà báo, diễn viên và người viết quảng cáo. Không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết thử nghiệm nhỏ đầu tiên của mình mang tựa đề Grimus vào năm 1975.
Cuốn sách thứ 2 của ông, Midnight’s Children (Những đứa con lúc nửa đêm), đã thu hút sự chú ý, gây tiếng vang trên toàn thế giới và đưa Rushdie trở thành một cây bút nổi tiếng. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh năm 1947, khi đất nước Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập sau nhiều thế kỷ là thuộc địa của Anh. Mượn hình tượng nhân vật chính Saleem Sina - đứa trẻ sinh ra vào đúng “đêm lịch sử” của cả dân tộc - Rushdie đã dùng rất nhiều phép ẩn dụ, ngoa dụ, phúng dụ cùng yếu tố kỳ ảo để nói về những khó khăn của đất nước Ấn Độ khi bước sang một giai đoạn mới.
Tiểu thuyết đã mang về cho ông giải thưởng Man Booker năm 1981, trở thành sách best-seller ở Mỹ đồng thời là cuốn tiểu thuyết được công chúng yêu thích nhất trong số tất cả những cây bút đoạt giải Booker trong dịp kỷ niệm 25 và 40 năm của giải.
Kể từ đó, Rushdie đã xuất bản hơn chục tiểu thuyết, tiểu luận và tự truyện. Mặc dù không phải tất cả đều có cùng một mức độ chất lượng nhưng những tác phẩm như Midnight’s Children, The Satanic Verses, The Moor’s Last Sigh và Joseph Anton đã trở thành tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Dù vậy, nhiều cuốn sách của ông đã gây ra tranh cãi. Cụ thể, cuốn tiểu thuyết Fury (2001) của Rushdie đã gây tranh cãi ở Anh và Mỹ khi mô tả những “vết nứt” đầy bi kịch của thành phố New York đương đại, với câu chuyện về một học giả bỏ vợ con để bắt đầu cuộc sống mới ở đây.
Trong các cuốn sách của mình, Rushdie kết hợp các thể loại và phong cách viết dí dỏm, sử dụng tiếng lóng và vốn từ vựng ấn tượng dệt nên những câu chuyện gợi nhớ đến những câu chuyện trong 1001 Arabian Nights (1001 đêm Ả Rập). Đối với Rushdie, viết lách là một phương tiện để tồn tại: “Nếu tôi không viết trong một thời gian dài, thì những giấc mơ của tôi trở nên điên rồ hơn” - Rushdie từng chia sẻ với tạp chí Đức Stern.
Bên cạnh The Satanic Verses, tác phẩm nổi tiếng nhất của Rushdie là Joseph Anton - cuốn hồi ký được ông viết ở ngôi thứ 3, kể về 9 năm ở ẩn của mình. Trong thời gian đó, Rushdie ly hôn với người vợ thứ 2 và trải qua 2 cuộc hôn nhân nữa, mà cả 2 đều kết thúc sau vài năm.
Vẫn cầm bút ở tuổi ngoài thất thập
Đáng nói, Rushdie cũng đã viết 2 cuốn sách dành cho trẻ em. Cuốn tiểu thuyết thứ 5 của ông là Haroun and the Sea of Stories (1990) và sau đó là Luka and the Fire of Life (2010) đều gắn với hình ảnh cậu con trai 13 tuổi ngự trị trong tâm trí. Ngoài ra, Rushdie cũng là tác giả của các tác phẩm phi hư cấu, chẳng hạn như Imaginary Homelands: Essays and Criticism, 1981 - 1991 (tạm dịch: Những quê hương tưởng tượng: Tiểu luận và phê bình).
Ngay cả khi đã bước qua tuổi 70, Rushdie vẫn không ngừng viết. Năm 2019, ông phát hành cuốn Quichotte. Đây là một câu chuyện cảm tác từ Don Quixote của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes. Trong phiên bản của Rushdie, nhà văn hiện đại hóa công việc của Don Quixote bằng cách đặt bối cảnh ở Mỹ thời hiện đại, với nhân vật chính là một người đàn ông Mỹ gốc Ấn. Câu chuyện này đề cập đến mọi tệ nạn của xã hội đương đại, từ sự nóng lên toàn cầu cho đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau, và lọt vào danh sách chung tuyển giải Booker 2019.
- Salman Rushdie nhận giải Văn học Andersen
- Salman Rushdie đoạt giải PEN/Pinter
- Nữ hoàng Anh trao tặng tước Hiệp sĩ cho Salman Rushdie
Năm 2021, Random House phát hành Languages of Truth - sưu tập các bài luận của Rushdie chưa từng được xuất bản trước đó. Theo nhận định của tờ The New Yorker, Rushdie là “bậc thầy về cách kể chuyện không ngừng, soi sáng sự thật về xã hội và văn hóa của chúng ta thông qua những áng văn xuôi tuyệt đẹp và nhức nhối”. Tập hợp các tác phẩm được viết trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2020, Languages of Truth cho thấy trí tuệ của Rushdie khi người đọc đắm chìm trong nhiều chủ đề khác nhau, trong đó ông đi sâu vào bản chất của “sự thật”, khám phá tính linh hoạt của ngôn ngữ, đồng thời xem xét lại các vấn đề quan trọng như di cư, chủ nghĩa đa văn hóa...
Theo nhiều nhà phê bình, Languages of Truth sống động trên từng trang với sự dí dỏm đặc trưng và giọng văn tuyệt vời. Cuốn sách này mang đến những cái nhìn sắc sảo nhất về sự phát triển của văn học và văn hóa, đồng thời giúp độc giả có một “chuyến tham quan” thú vị quanh trí tưởng tượng tuyệt vời của tác giả.
Chỉ còn thiếu giải Nobel Văn học Với những đóng góp to lớn cho nền văn học thế giới, hồi năm 1999 Rushie đã được Chính phủ Pháp trao Huân chương vì Văn học và Nghệ thuật. Năm 2007, Rushdie đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vì những phục vụ của ông đối với văn học. Năm 2008, tạp chí Times xếp ông vào vị trí thứ trong danh sách “50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945”. Đáng chú ý nữa là hồi đầu tháng 6 này, Rushdie cùng nhiều tên tuổi gốc Ấn khác đã được Nữ hoàng Anh trao Huân chương Danh dự (Companion of Honour) nhân Lễ Bạch kim đánh dấu 70 năm Elizabeth II lên ngôi. Giờ tất cả những gì còn thiếu với Rushdie có lẽ chỉ là một giải Nobel Văn học. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags