Một Tô Hoài khác sau trang viết

Thứ Bảy, 12/07/2014 07:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 50 năm giữ mối thâm giao với Tô Hoài , nhà thơ Bằng Việt chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa những kỷ niệm đời thường về người bạn vong niên của mình.

1. Tôi kém Tô Hoài 21 tuổi nhưng vẫn gọi anh, xưng em. "Anh Hoài" chứ không phải "anh Sen" như cái tên khai sinh của ông. Cách xưng hô ấy bắt đầu từ năm 1966, khi tôi vừa từ Liên Xô về Hà Nội và được bạn bè dẫn tới gặp "Ông dế mèn". Gần nửa thế kỷ kể từ đó, ấn tượng về sự giản dị mà hóm hỉnh của Tô Hoài cứ mãi theo tôi.

Ở cuộc sống đời thường, Tô Hoài là người dễ gần và dân dã. Ông không nói quá nhiều, nhưng lại thường làm người nghe bất ngờ từ sự thông tuệ và đơn giản trong cách nhìn đời, nhìn  người của mình. Bởi vậy, ngay cả khi ở ngoài tuổi 80, "bác Hoài" vẫn được chị em xúm xít vòng trong, vòng ngoài trong mỗi lần trở lại thăm cơ quan cũ (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội)


Tác giả Bằng Việt - người đã có mối thâm giao nửa thế kỷ với Tô Hoài

Một câu chuyện vui: cháu gái của Tô Hoài khi ấy học cấp 2, sách giáo khoa của học sinh có trích giảng một chương trong Dế mèn phiêu lưu ký. "Hôm trước, thấy nó về nhà phải làm bài tập về Dế mèn phiêu lưu ký, tớ đành gà bài. Kết quả là cô giáo cho điểm 2" - "Ông dế mèn" kể giữa tiếng cười của mọi người. Rồi nhà văn cắt nghĩa rất đơn giản: Biết làm sao! Hoặc là mình không hiểu cô giáo nó. Hoặc là cô giáo nó cũng không hiểu mình.

Không chỉ người quen, những ai gặp Tô Hoài lần đầu cũng ấn tượng về ông theo cách ấy. Giữa thập niên 1970, một nhà văn người Armenia sang thăm Việt Nam. Tôi làm phiên dịch trong cuộc trò chuyện giữa ông và Tô Hoài. Cuối buổi, nhà văn kể rằng khi đọc Dế mèn phiêu lưu ký trước đó, ông cứ hình dung người viết phải là một ông lão Phương Đông tóc bạc phơ với khuôn mặt trầm tư của một triết gia, giống như chân dung Tagor bên Ấn Độ. Bởi thế, khi gặp một ông già nhỏ người, tóc đen, khuôn mặt hóm hỉnh và tia mắt sắc sảo tinh ranh, nhà văn trầm trồ: Chỉ ở Việt Nam  mới có những điều bất ngờ và thú vị tới mức đảo ngược hoàn toàn suy nghĩ của tôi như vậy.

Nghe tôi kể lại câu chuyện ấy, Tô Hoài rất thú vị. Rồi, như mọi trường hợp khác, nhà văn lại giải thích theo cách rất riêng của mình. Ông bảo: Người nước ngoài  từ xưa vẫn vậy, luôn muốn suy nghĩ chỉ theo con mắt chủ quan. Nhà văn không hiểu rằng người Việt Nam bao giờ cũng muốn trẻ hơn tuổi và đặc biệt, không bao giờ thích trầm tư theo kiểu dạy đời. Cách hình dung ấy là cách tưởng tượng về một ông già Trung Quốc hoặc Ấn Độ, chứ không phải VN...


Nhắc đến Tô Hoài, độc giả không thể quên Dế mèn phiêu lưu ký

2. Viết về ông, nhiều tác giả nhắc tới sự tinh ranh của một cây bút rất giỏi nhìn ra cái tầm thường, nhếch nhác trong cuộc sống, để rồi từ đó biết chấp nhận và đi qua nó một cách nhẹ nhàng. Còn tôi muốn bổ sung thêm: ngay với nghề văn cũng vậy, Tô Hoài rất biết mình là ai, nhưng lại cũng chẳng quá quan trọng để đặt ra bất cứ nguyên tắc nào cho nó.

Năm 2010, Tô Hoài nhận Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Nằm trong hội đồng giám khảo, tôi có chút băn khoăn. Xét về tuổi nghề, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái chỉ là một văn nghệ sĩ Hà Nội cùng thời với Tô Hoài, chứ không thể được coi như bậc thầy của ông. Người già con trẻ, liệu một nhà văn ở tuổi 90 như Tô Hoài có chạnh lòng khi nhận một giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái?

Tôi tới nhà riêng hỏi ý kiến Tô Hoài. Câu trả lời của ông khá thú vị: Bạn bè ở đời cho nhau cái gì là quý, còn chuyện hơn thua cao thấp thì đâu có là gì. Tớ chẳng băn khoăn, tị hiềm. Phái mất rồi, nhận giải thưởng từ gia đình thì cũng coi như lúc còn sống, cậu ấy kỷ niệm tớ bức tranh.

Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, Tô Hoài cũng thường khuyên tôi tìm tới sự giản đơn như vậy. Ông thường bảo: Nghề văn cũng là một nghề bình thường, và nhà văn trước tiên vẫn phải là một con người với đầy đủ những yêu thương buồn giận. Cậu chán thì đừng viết nữa. Cuộc sống đâu chỉ có mấy thứ ấy, cậu cứ chơi, cứ sống, cứ yêu đi, rồi lúc nào thích thì quay lại làm nghề.

Sự đôn hậu, nhân ái của Tô Hoài tôi vẫn nhận ra rất rõ ngay trong những trang văn, với cái giọng tâm tình rủ rỉ. Nhiều người vẫn nhắc lại nhận xét của Vũ Ngọc Phan về ông, về cái giọng văn "khinh bạc học đòi" khi mới vào nghề. Nhưng, có lẽ đó chỉ là chút âm hưởng từ cách nhìn của một Tô Hoài sớm từng trải, quá hiểu đời, hiểu người, cũng như từ sự dửng dưng biết chấp nhận mọi thứ đến với mình, kể cả vòng sinh lão.

Những năm cuối đời, Tô Hoài ít ra ngoài. Ông nằm bệnh viện nhiều, có lúc phải ngồi xe lăn. Lần cuối cùng chúng tôi vào thăm ông cách đây gần một tháng. Hôm ấy, Tô Hoài yếu nhưng lại rất minh mẫn. Ông hớn hở trò chuyện cùng anh em trong hội gần một giờ rồi hẹn: Bao giờ ra viện, tớ với Việt lại đi uống bia.

Những năm trước đây, vào dịp Tết, chúng tôi vẫn gửi biếu Tô Hoài một két bia. Đó là món quà mà ông thích nhất.

Chiêu Minh (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›