- Người Trung Quốc rỉ tai nhau loài cá quý hiếm trị giá bằng cả căn nhà: Sông Hồng Việt Nam vốn bơi đầy nhưng nay đã cạn kiệt
- Được coi là "thần dược chống lão hóa", một nông sản Việt Nam vừa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, dần trở thành món khoái khẩu của người dân nước này
- Khách Tây nếm thử các món mắm của Việt Nam: Mắm tôm "ngon phết" nhưng vẫn đứng sau 2 món mắm khác
Vật thể lạ này được đồn đoán là rất quý hiếm, có khả năng chữa bệnh thần kỳ.
Cát lợn giá cao ngất ngưởng tại Trung Quốc
Theo tờ Metro, vào năm 2017, ông Bo Chunlou (51 tuổi) đến từ Trung Quốc đã tìm thấy một vật thể lạ dài 10cm, rộng 6,8cm khi làm thịt con lợn nái 8 tuổi trong trang trại ở thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông.
Vật thể lạ này nằm trong túi mật của con lợn. Những người hàng xóm nói với Bo rằng nó có giá trị y học rất cao.
Bán tín bán nghi, ông Bo cùng con trai 26 tuổi Bo Mingxue đã tới Thượng Hải và chi gần 40.000 NDT để thuê chuyên gia thẩm định.
Hai cha con được các chuyên gia thông báo rằng, vật thể này gọi là "cát lợn" (hay trư cát, trư sa cát lợn, trứng vàng). Giá trên thị trường dành cho viên "cát lợn" có kích cỡ như của nhà ông Bo lên tới gần 4 triệu NDT (hơn 13 tỷ đồng).
Theo Metro, những người hành nghề y học cổ truyền Trung Quốc gọi cát lợn là "báu vật" và tin rằng nó có thể giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Tuy nhiên, cát lợn chỉ có giá trị nếu tìm thấy trong múi mật của lợn, còn nếu ở trong dạ dày lợn thì không có giá trị gì.
Trước đó, theo trang tin Sina, vào năm 2015, có 2 nông dân Trung Quốc cũng tìm thấy cát lợn. Theo mô tả, cát lợn có hình bầu dục, bên ngoài bao phủ một lớp lông màu vàng xanh dài khoảng 2-3cm, bên trong có màu vàng và phát ra mùi thảo mộc. Khi cắt ra, cát lợn trông giống như lòng đỏ trứng.
"Cơn sốt" cát lợn ở Việt Nam
Tại Việt Nam cũng từng ghi nhận "cơn sốt" cát lợn. Trong giai đoạn 2016-2017, nhiều người dân trên cả nước khi mổ bụng lợn liên tục phát hiện những vật thể lạ nghi là "cát lợn", được cho là quý hiếm, có giá lên đến cả tỷ đồng.
Có thể kể đến một số trường hợp tiêu biểu như vào năm 2016, bà Mai – một người dân ở xã Trung Châu B, Đan Phượng, Hà Nội đã phát hiện ra vật thể giống như "cát lợn" từ bụng con lợn nái mới mổ thịt, khiến cả làng xôn xao.
Gia đình bà Mai cho biết, viên "cát lợn" này nặng 0.6kg, rất giống với cát lợn được người dân Trung Quốc tìm thấy và bán với giá gần 21 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, khi mổ con lợn nái nuôi 13 năm, nặng 150kg, gia đình ông Lương Văn Linh ở Nghệ An đã phát hiện viên cát lợn nặng 0.5kg. Theo ông Linh, có người Hồng Kông (Trung Quốc) đã hỏi mua với giá 3 tỷ đồng nhưng ông chưa đồng ý bán.
Năm 2017, anh Hà Quang Vinh, trú tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đã phát hiện cát lợn nặng 1,1kg, dài gần 0.3m trong dạ dày con lợn nái của gia đình. Anh Vinh cho biết, ngay sau khi nghe tin nhà anh mổ được cát lợn, nhiều người đã liên lạc để hỏi mua với giá hàng trăm triệu đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 5/2022, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hiền tại Tuy Hòa, Phú Yên đã phát hiện ra một viên cát lợn nặng 1,1kg trong dạ dày của con lợn rừng nái mổ lấy thịt. Sau khi chị Hiền đăng ảnh viên cát lợn tìm được lên mạng xã hội, nhiều người đã vào hỏi mua, giá trả cao nhất là 500 triệu đồng.
Thực hư tác dụng của cát lợn
Tại Trung Quốc có khá nhiều ý kiến trái chiều về tác dụng của cát lợn trong y học.
Theo trang tin Sina, cát lợn thực chất là sỏi mật của lợn, có thể tìm thấy trong túi mật, ống mật hoặc một số cơ quan khác trong cơ thể lợn. Nó được cho là có tác dụng chữa bệnh tương tự như ngưu hoàng, chủ yếu được dùng để thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, làm dịu chứng co giật, điều trị nhịp tim, mất ngủ…
Quá trình hình thành sỏi mật lợn kéo dài trên 1 năm nhưng khá hiếm thấy. Thường thì người ta chỉ tìm thấy cát lợn ở một số con lợn nái già khi xuất chuồng.
Tuy nhiên, cũng theo Sina, trong các tài liệu y học cổ của Trung Quốc không có ghi chép rõ ràng về tác dụng của cát lợn.
Theo ông Deng Jun Liang, giáo sư ngành dược của trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, một số loại sỏi của động vật đã được chứng minh có giá trị đối với y học, như sỏi mật trâu (ngưu hoàng), sỏi mật ngựa (mã bảo), sỏi mật khỉ (hầu táo) hoặc sỏi mật chó (cẩu bảo).
Song, hiện chưa có ai dám khẳng định tác dụng của cát lợn. Chỉ có một số rất ít tư liệu cho biết nó là một vị thuốc hiếm trong Đông y.
Trong khi đó, theo ông Zhang Li, Trưởng khoa y học cổ truyền tại Bệnh viện Thành phố Lạc Sơn, có thể do đồng âm nên nhiều người đã nhầm lẫn "chu sa" với "trư cát". Chu sa (hay thần sa) là một loại khoáng màu đỏ với thành phần chính là sulfua thủy ngân (HgS), có sẵn trong tự nhiên và được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo người dân về thực hư tác dụng của cát lợn.
Trả lời báo giới, GS.TS Dương Trọng Hiếu, chuyên gia đầu ngành y học cổ truyền Việt Nam, người từng có 40 năm công tác tại viện nghiên cứu Đông y, bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương khẳng định:
"Đông y chỉ có vị thuốc ngưu hoàng là sỏi mật của trâu và bò. Ngưu hoàng là một vị thuốc quý, đắt tiền, dùng để làm thuốc trị đột quỵ ở người. Vị thuốc này đã có trong y văn từ hàng ngàn năm trước. Ngược lại, cho đến bây giờ, tôi chưa thấy cát lợn có mặt trong tài liệu y khoa nào".
Cùng quan điểm trên, GS.TS Trần Quốc Bình (cựu Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết, trong Đông Y không có vị thuốc nào gọi là "cát lợn" hay được lấy từ dạ dày lợn để chữa bệnh.
"Người dân không nên tin vào những thông tin thổi phồng, không có căn cứ trên. Vật thể mà người dân cho là "cát lợn giá chục tỷ đồng" có thể chữa bách bệnh chỉ là một khối sỏi bệnh, giống như sỏi ở con người do những chất thải tích không được thải ra ngoài tích tụ lại trong cơ thể con lợn và gây bệnh cho lợn mà thôi" – Ông Bình nhấn mạnh.