(Thethaovanhoa.vn) - Nước Anh là quê hương bóng đá. Premier League tự hào là giải đấu số 1 thế giới. Nhưng tại sao tuyển Anh gây thất vọng hết giải lớn này đến giải lớn khác?
- Wayne Rooney vẫn giữ băng đội trưởng tuyển Anh
- Arsene Wenger nhiều khả năng dẫn dắt tuyển Anh vào cuối mùa này
- Sam Allardyce gia nhập đội hình 'MỘT TRẬN' của tuyển Anh
Có một câu hỏi ít người đặt ra: Tại sao một đội bóng được coi là “lớn” ở Châu Âu như tuyển Anh mà đến giờ mới vô địch World Cup đúng một lần (1966) mà ngay lần duy nhất trên sân nhà ấy họ cũng gây tranh cãi? Và họ chưa bao giờ vào chung kết EURO? Quá khứ đáng buồn ấy không ngẫu nhiên được sinh ra nhưng chỉ cần nhìn vào hiện tại thôi, chúng ta cũng thấy vấn đề của Tam Sư hết sức nan giải.
Đầu tiên, bóng đá Anh luôn thiếu những HLV giỏi người bản địa. Cái này thì không chỉ bây giờ mà trong quá khứ cũng thường xuyên như vậy. Hãy xem “Big Four” hay “Big Five” bây giờ do những ai cầm quân? Liverpool được dẫn dắt bởi một người Đức (Klopp), Arsenal vẫn là một người Pháp quen thuộc (Wenger), Man United là một người Bồ Đào Nha (Mourinho), Man City là một người Tây Ban Nha (Guardiola), Chelsea là một người Italy (Conte), Tottenham là một người Argentina (Pochettino).
Tiếp nữa, có bao nhiêu tài năng trẻ hoặc những cầu thủ người Anh đóng vai trò chủ chốt ở những đội bóng hàng đầu Premier League lúc này? Lallana, Harry Kane, Vardy, Dele Alli, Rashford, Smalling, Sterling, Theo Walcott... Cố gắng lắm thì chúng ta cũng chỉ chọn được một số người như vậy mà ngay trong số ít này đã có người đang tỏ ra mờ nhạt.
Cầu thủ giỏi thì “như lá mùa thu”. HLV giỏi thì thậm chí còn không được như “sao buổi sớm”. Lấy đâu ra người tài cho “Tam sư” đây? Premier League và các giải đấu cúp (cúp FA, cúp Liên đoàn, cúp Châu Âu) biến mùa giải của các cầu thủ nói chung và những cầu thủ người Anh nói riêng thành quá trình “tra tấn” và “hành xác”, khiến họ kiệt quệ sức lực do tiêu hao quá năng lượng khi đá cho CLB suốt 9 tháng ròng rã.
Premier League tiếp tục bị thương mại hóa cao độ. Làn sóng ngôi sao ngoại quốc tràn vào khiến các cầu thủ người Anh không còn “đất” phát triển. Điều này rất nguy hiểm. Khi những “bộ óc” từ trên ghế HLV tới trên sân đấu ở Premier League đều do người nước ngoài nắm giữ thì lấy đâu cơ hội cho người Anh phát triển tài năng?
Pep cũng khó có thể thành công với tuyển Anh
Trước đây, Man United thời Alex Ferguson còn đào tạo ra được lứa cầu thủ trẻ tài năng như anh em nhà Neville, Paul Scholes, Nicky Butt, Beckham...thì tuyển Anh còn có một chút gì đó gọi là nền tảng, là chất lượng. Nhưng từ nhiều năm nay chính Man United cũng không còn cho ra lò được lứa cầu thủ trẻ ấn tượng như thế nữa còn các đội bóng Anh hàng đầu khác đều thuộc dạng “liên hiệp quốc” nên bóng đá Anh càng xuống cấp mỗi khi đá giải lớn.
Có những vấn đề có thể khắc phục được. Có những vấn đề rất nan giải. Thiếu HLV bản địa giỏi thì có thể thuê HLV giỏi người nước ngoài. Nhưng thiếu cầu thủ bản địa giỏi thì bó tay vì đây là ĐTQG, không phải CLB mà chỉ cần tiền nhiều rồi đặt một va li tiền lên bàn đàm phán, ký hợp đồng xong là xong.
Cầu thủ giỏi ở đây gồm hai mặt: giỏi chuyên môn (kỹ thuật cơ bản) và giỏi chiến thuật. Chuyên môn thì Anh hiện vẫn có một số cầu thủ ở mức khá, thậm chí là rất khá ở tầm Châu Âu. Nhưng chiến thuật thì giống như căn bệnh nan y.
Cầu thủ Anh có thể rất nhanh, rất khỏe, rất khéo nhưng trong phần lớn các trường hợp, huấn luyện họ về cách tổ chức lối chơi, đặc biệt là tổ chức phòng ngự sao cho chặt chẽ, kín kẽ, về nghệ thuật “đọc” tình huống, chọn vị trí, chiếm lĩnh khoảng trống... cảm giác khó như...lên trời. Không có đội vô địch nào lại yếu về chiến thuật cả. Nhưng đó lại là hạn chế cố hữu của người Anh mà nhiều đời HLV của “Tam sư” vẫn không sao giải quyết được.
HLV dù giỏi đến mấy cũng chỉ là nhà “truyền giáo” chứ bản thân ông ta không đá bóng. Thế nên, nếu cầu thủ không thể biến những ý tưởng chỉ đạo của HLV thành hiện thực trên sân đấu thì dù có là siêu HLV cũng đành bất lực. Đó là lí do vì sao dù ai nắm tuyển Anh bây giờ thì cũng đối mặt với thách thức khổng lồ nếu muốn đưa đội bóng này tới vinh quang.
HT
Tags