(Thethaovanhoa.vn) - Tổng giá trị của thị trường vũ khí toàn cầu năm 2015 đạt 65 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014 và là tốc độ tăng trưởng cao nhất một thập kỷ qua.
- 11 vũ khí uy lực nhất trong tay quân đội Nga
- Mỹ dỡ cấm vận vũ khí, 'sát thủ' săn tàu ngầm P-3C rơi vào tầm ngắm
Theo báo cáo trên, khối lượng vũ khí mà Saudi Arabia nhập khẩu năm 2015 tăng tới 50%, đạt 9,3 tỷ USD, và đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí. Ngoài ra, nhu cầu về vũ khí cũng tăng lên ở hầu hết các nước Trung Đông và khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân của việc Saudi Arabia tăng nhập khẩu vũ khí là do chiến dịch quân sự của liên quân do quốc gia này đứng đầu ở Yemen và những căng thẳng giữa nước này với Iran. Năm 2015, chính quyền Riyadh đã mua các tiêm kích F-15, trực thăng Apache, cũng như các loại vũ khí độ chính xác cao, máy bay không người lái và thiết bị giám sát.
Đứng thứ hai về nhập khẩu vũ khí là Ấn Độ và thứ ba là Australia. Ai Cập đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu vũ khí, với 2,3 tỷ USD trong năm 2015. Cho đến năm 2013, nước này chỉ chi khoảng 1 tỷ USD/năm mua sắm vũ khí.
Theo dự báo của IHS, trong ba năm tới do giá dầu biến động, các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải giảm mua sắm vũ khí. Báo cáo viết: "Các quốc gia sẽ chi tiêu cho vũ khí ít hơn và sẽ có nhiều hơn các hoạt động, nhằm gây ảnh hưởng tới khu vực".
Báo cáo cũng dự đoán Nga, hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, sẽ tăng cường bán vũ khí cho Iran. Tehran sau khi được phương Tây nới lỏng các biện pháp trừng phạt sẽ nâng cấp lực lượng không quân. Đây là sự khởi đầu "lớn", có thể tiêu tốn từ 40-60 tỷ USD.
Nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất năm 2015 vẫn là Mỹ, bán được gần 23 tỷ USD vũ khí và khí tài, trong đó có 8,8 tỷ USD bán cho Trung Đông. Doanh số bán vũ khí của Mỹ tăng nhờ bán máy bay và các hệ thống kèm theo. Báo cáo cho rằng trong tương lai, tổng kim ngạch buôn bán vũ khí của Mỹ có thể vượt ngưỡng 30 tỷ USD, do việc cung cấp máy bay F-35 tăng lên".
* SIPRI: Các nước sở hữu tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân
Tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân trên thế giới đang diễn ra chậm chạp và các cường quốc sở hữu vẫn tiếp tục hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của mình. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), công bố ngày 13/6.
Tính đến đầu năm 2016, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, với tổng cộng 4.120 đơn vị vũ khí hạt nhân. Nếu tính riêng các đầu đạn hạt nhân thì con số sẽ là 15.395 đơn vị (đầu năm 2015 là 15.850 đơn vị).
Theo đó, Mỹ có 7.000 đầu đạn hạt nhân (1.930 đầu đạn đã triển khai và 2.570 trong kho), Nga 7.290 (con số tương ứng đã triển khai và trong kho là 1.790 và 2.700), Anh 215 (120 - 95), Pháp gần 300 (280 - 10). Ngoài ra, Trung Quốc với 260 đầu đạn, Ấn Độ khoảng 100-120, Pakistan khoảng 100-130 và Israel 80 tất cả đều trong kho. Các đầu đạn đã triển khai là số đã được lắp đặt trên các tên lửa hoặc đang nằm trong thành phần trang thiết bị vũ khí của các lực lượng tác chiến.
Theo SIPRI, những kết quả tích cực của tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân có được là nhờ Nga và Mỹ, hai quốc gia sở hữu trên 93% vũ khí hạt nhân của thế giới, cắt giảm dần các kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình.
Tuy nhiên, từ năm 2011, tiến trình thực hiện Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) giữa hai nước đã chậm dần, trong khi cả Mỹ và Nga đều triển khai các chương trình lớn nhằm hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân.
Trong giai đoạn từ năm 2015-2024, Mỹ dự định sẽ chi 348 tỷ USD để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo các đánh giá, con số trên sẽ tăng lên tới 1 nghìn tỷ USD trong 30 năm tới.
Trong khi đó, Nga cũng đang tiến thay thế các hệ thống vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô bằng các hệ thống mới cơ động và hiệu quả hơn nhằm duy trì được thế can bằng với Mỹ.
SIPRI cũng cho biết các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân còn lại có số lượng khiêm tốn hơn nhiều, tuy nhiên hầu hết các nước này đều đã bắt đầu tăng cường tiềm lực hạt nhân và tiến hành hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
TTXVN
Tags