'Mùa tôm': Bi kịch tình yêu không cũ

Chủ nhật, 06/09/2015 21:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa tôm viết về tình yêu khác đẳng cấp và tín ngưỡng của một làng chài, giữa cuộc sống đói nghèo và những giáo lý luôn cố thủ, cấm đoán, cuốn trói tuổi thanh xuân với tình yêu đầu đời vừa chớm nở đã thăm thẳm bi thương.

Mùa tôm (Phương Nam Book, NXB Văn học, 2015) của nhà văn Pillai là tác phẩm kinh điển của văn học Ấn Độ, đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm (Sahitya Akademi) do đích thân tổng thống Ấn Độ trao tặng vào năm 1957.

Bối cảnh ở đây là một làng chài Ấn Độ, chống chọi với giông tố bão bùng giữa thiên nhiên nghiệt ngã. Và những lối đi giữa những con người, những khoảng cách bị đẩy đi quá xa giữa họ vì những giáo lý, vì những mối ràng buộc đẳng cấp và tín ngưỡng. Tất cả bị chặn lại bởi lề lối vô tình mà đau xót, họ không thể vượt qua và kết cục bi thảm đã xảy ra.

Câu chuyện về hai đứa trẻ cạnh nhà nhau đã lớn lên bên nhau tại làng chài ven biển, cho đến lúc trưởng thành và tình yêu đầu đời chớm nở. Đó là tình yêu của Karuthamma, cô con gái một ngư phủ và Parikutti, con trai của một thương buôn tôm cá Hồi giáo.


Bìa cuốn "Mùa tôm"

Một cô gái lớn lên trong tập tục của cái làng chài nhỏ bé, kế thừa một số được gọi là “chân lý lâu đời” và nếp sống chặt chẽ của cộng đồng dân chài.

Khi người đàn ông lênh đênh ngoài biển cả trước hàng đàn cá mập lao đến quật đuôi vào mạn thuyền, trước luồng nước hung dữ và xoáy nước ghê rợn, làm sao những cơn hiểm nghèo ấy qua đi, bởi vì có một phụ nữ trung trinh đang hết lòng cầu nguyện cho chồng mình ngoài biển cả. Những người con gái ở biển hiểu sức mạnh của lời cầu nguyện và ý nghĩa của nếp sống đó.

Không phải là con trai dân chài thì không được phép “nhìn hau háu vào bộ ngực trần” của những người con gái biển cả. Và họ sẽ không coi trọng những gì thuộc về niềm tin của của người dân chài. Nhưng tình yêu có bao giờ dễ dàng lý giải, con tim có bao giờ biết vâng lời.

Karuthamma và Parikutti vẫn hướng đến với nhau một cách mãnh liệt, thậm chí chàng trai Parikutti còn “luôn hát một bài hát của dân chài” để tỏ tấm chân tình.

Tình yêu bị bao vây bởi bốn bức tường giáo lý của một pháo đài không dễ gì bắn phá, một “pháo đài không cửa”. Đó là bức tường cao dày của nề nếp và những điều ràng buộc đối với những đứa con của biển đã tồn tại hàng bao thế kỷ nay.

Và cuối cùng, không thể vượt qua định kiến, cái chết Karuthamma và Parikutti trong sóng biển vẫn còn ôm chặt lấy nhau không chia tách đã rung lên một hồi chuông về sự hà khắc của tín ngưỡng, của sự khác biệt đẳng cấp trong xã hội. Chính cách phản ánh rốt ráo hiện thực này, mà Mùa tôm luôn hấp dẫn được độc giả mọi lứa tuổi.

Mùa tôm từng được nhiều lần đưa lên sân khấu kịch Việt Nam, nên phiên bản văn học đương nhiên trở nên gần gũi với độc giả.

Khúc Link Hương
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›