(Thethaovanhoa.vn) - Dự án được khởi công từ năm 2009 với mức đầu tư lên đến gần 1.900 tỷ đồng, khi hoàn thành có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của gần 2,5 vạn sinh viên. Đến nay, mới chỉ có 3/6 tòa được đưa vào sử dụng song cũng chỉ lác đác sinh viên.
Dự án Khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được khởi công từ tháng 9/2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được điều chỉnh mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng mức dự toán ban đầu lên gần 1.900 tỷ đồng.
Ngay khi dự án được triển khai, dư luận, đặc biệt là giới sinh viên rất hoan nghênh và trông đợi dự án sớm hoàn thành bởi đây sẽ là khu ký túc xá hiện đại tập trung hàng đầu của Hà Nội, với cơ sở vật chất hiện đại dành cho sinh viên (cùng với khu kí túc xá Mỹ Đình ở phía Tây thành phố).
Tháng 1/2015, 3 tòa nhà cao tầng khang trang được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, sau 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 tòa nhà A1, A5, A6 chỉ đạt khoảng 40-50% do những bất cập về quy hoạch đô thị, giao thông.
Theo khảo sát của phóng viên tháng 9/2017, thời điểm đầu năm học mới, tòa A1 đã cơ bản được lấp đầy. Tuy nhiên, tòa A5, A6 vẫn thưa vắng sinh viên.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, chuyên gia xây dựng Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Đây là dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Khi triển khai thực hiện, chủ đầu tư đã không nghiên cứu, điều tra đầy đủ về nhu cầu của người sử dụng, mà ở đây là nhóm đối tượng học sinh - sinh viên.
"Những người quyết định việc này chỉ quan tâm đến lợi ích của họ chứ không phải lợi ích chung của xã hội. Chuyện này cũng giống như các dự án đầu tư công bị lãng phí khác như xây chợ không ai họp, xây cầu không ai đi...", ông Liêm nhận xét.
Thực tế, dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp nằm ở vị trí khá bất tiện cho việc đi lại, biệt lập trong khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp và không có những tuyến đường giao thông lớn đi qua. Khu các trường Đại học gần nhất là Đại học Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế quốc dân cũng chỉ có thể di chuyển đến khu nhà ở này theo trục đường Giải Phóng với khoảng cách 4 km.
Sau khi có ý kiến về sự bất tiện về giao thông của dự án này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã bố trí 2 tuyến xe buýt chạy qua đây với tần suất 20-25 phút/chuyến. Tuy nhiên, nếu muốn đi đến các hướng khác hai tuyến trên, học sinh, sinh viên vẫn phải đi bộ ra đường Ngọc Hồi để bắt xe bus.
Trong khi đó, 2 tòa nhà cao tầng A2, A3 đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, dầm mưa dãi nắng nhiều năm nay gây lãng phí. Tòa A4 còn chưa khởi công.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 2 tòa nhà A2, A3 chưa thể hoàn thiện do chưa được bố trí nguồn vốn bổ sung. Sở đã đề nghị thành phố bố trí nguồn vốn, sớm đưa vào sử dụng nhưng vì nhiều lý do nên thành phố chưa thể bố trí nguồn vốn để hoàn thiện 2 tòa nhà.
Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng của các tòa A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn đồng ý với chủ trương này.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3, A4 phải báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép, vì dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ.
Việc chuyển đổi này hi vọng sẽ giúp "hồi sinh" dự án bỏ hoang kí túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp và giúp thêm nhiều người nghèo có cơ hội mua được nhà ở.
"Dù việc cải tạo để chuyển đổi sẽ tốn kém nhưng cũng đành phải làm. Đây là lần đầu chúng ta xây khu nhà ở tập trung cho sinh viên thay thế cho hệ thống các kí túc xá, do đó chưa có kinh nghiệm. Bộ Xây dựng cần có nghiên cứu, đưa ra những quy chuẩn xây dựng nhà ở sinh viên thế nào là phù hợp, dựa trên các tiêu chí vị trí, quy mô, thiết kế", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam trao đổi với phóng viên.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Tags