Mừng ít thì sợ xấu hổ, mừng nhiều thì tiền không có. Mừng bằng bạn bè khác thì người nhiều kẻ ít biết theo ai?
Trong thời gian tới, xuân về hoa nở, rất nhiều đám cưới đang chuẩn bị diễn ra. Khi mà nhà trai, nhà gái lo toan tất bật để lên kế hoạch đám cưới, bạn bè và đồng nghiệp xung quanh cũng phải đối mặt với những nỗi lo “Thiệp cưới trao tay, bay ngay tạ thóc”. Nhưng mấy tạ cho hợp lý?
Chuyện đi đám cưới mừng bao nhiêu cho vừa là vấn đề khá đau đầu với nhiều người. Nhất là khi gần đây, không thiếu những vụ “bóc phốt” bóc phốt người đi ăn cưới vì chỉ mừng cưới 200k (200.000 đồng).
Người thì cho rằng tiền mừng như vậy “không xứng” với mối quan hệ thân thiết đôi bên, người thì “chạnh lòng” vì không biết do bản thân tiếp đãi chưa tốt, hay do cỗ không ngon, mà khiến vị khách này phật ý.
Điều này khiến nhiều người cảm thấy thấp thỏm, lo lắng khi nhận được thiệp mời. Mọi người không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu rằng mừng cưới 200k có phải không tôn trọng gia chủ, quá đáng giữa thời bão giá?
Bạn Mai Hương (23 tuổi, Quảng Ninh) cho biết: “Đối với cá nhân mình, chuyện tiền mừng cưới phụ thuộc chủ yếu vào mức độ thân thiết của mình giữa mình với chủ nhân buổi tiệc. Nếu thân thì mình sẽ mừng nhiều, đấy là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu không thân, chẳng hạn như đồng nghiệp ‘kiểu xã giao’ ở chỗ làm, tên tuổi của nhau còn chẳng nhớ, thì mình chỉ mừng 200k thôi.”
Mai Hương lý giải, với những mối quan hệ xã giao như vậy, “có mời cũng rất hiếm khi đi”. Vì nếu đi thì sẽ phải mừng khoảng 500k, điều đó khiến cô cảm thấy không thoải mái.
“Mình mới đi làm, lương thì không cao, đồng nghiệp thì nhiều. Nếu ai mời cũng đi và mừng 500k thì những ngày còn lại ăn mì tôm để sống hay sao?”, cô gái trẻ tâm sự.
Giống như Mai Hương, bạn Tuấn Anh (26 tuổi, Thái Bình) cũng có quan điểm tương tự. “Như mình, đôi khi đi đám cưới bạn bè, mình thường mừng khoảng 500k - 1 triệu, đối với trường hợp không đi được thì mình gửi phong bì khoảng 200k - 300k. Còn những mối quan hệ không thân thiết, mình sẽ mừng 200k thôi".
“Với những người không thân quen, nhưng vì giữ mối quan hệ mà vẫn phải đi. Lại nghe nói họ tổ chức đám cưới ở nhà hàng, ai dám đi mừng 200k? Nhỡ bị ‘bóc phốt’ trên mạng thì… quê lắm”, Mai Hương chia sẻ thêm.
Trong ngày vui của mình, phần đông cô dâu, chú rể đều muốn có thật đông khách mời tham dự để chúc phúc. Chúng ta cũng hào hứng khi nhận được thiệp cưới từ người thân, bạn bè thân thiết. Nhưng mọi chuyện sẽ thật khó xử khi nhận thiệp từ mối quan hệ xã giao, ít trò chuyện. Thậm chí, không ít trường hợp mà bạn và chủ nhân của bữa tiệc đã vài năm không nói chuyện lấy một lần.
Tuấn Anh bày tỏ ý kiến về vấn đề này: "Tôi cảm thấy đám cưới đang bị thương mại hóa. Có nhà do mối quan hệ rộng nên mời nhiều đã đành, có nhà là cố tình mời rộng để lấy tiền mừng đám cưới hay sao? Có nhiều người chẳng gặp, chẳng nói chuyện với nhau nổi 1 câu bao năm liền, thế mà vẫn gọi điện mời cưới?”
Ý kiến là vậy, nhưng Tuấn Anh cho biết, bản thân rất ngại từ chối những trường hợp này. Vì thế, chàng trai trẻ vẫn gửi tiền mừng cho cặp đôi, nhưng tâm trạng “không hoan hỉ cho lắm”.
(Ảnh minh họa)
Bạn Ngọc Phương (28 tuổi, Hà Nội) thì không ngại ngần như vậy.
“Mình từng chứng kiến một đồng nghiệp đi mời cưới mà thậm chí cần có ‘người hộ tống’ bên cạnh. Để làm gì ư? Để thỉnh thoảng còn quay ra hỏi ‘Bạn này tên gì ấy nhỉ?’, chứ chính chủ còn chưa nhớ tên của tất cả mọi người trong văn phòng. Vô tình chứng kiến cảnh đó khiến mình rất lăn tăn. Cuối cùng, mình quyết định không tham dự, cũng không gửi tiền mừng cho họ luôn”, Phương cho biết.
Phương cũng tự nhận mình là người có đôi phần khó tính khi bày tỏ: “Còn nếu mời cưới qua inbox thì mình xin phép từ chối luôn. Bạn bè có lòng, thì mình mới có dạ. Nếu vô tâm đến mức không dành cho nhau một tấm thiệp, 5-10 phút trò chuyện, chứng tỏ mình cũng không thực sự quan trọng trong đời họ”.
(Ảnh minh họa)
Nếu ngày xưa đi đám cưới người ta còn mua quà tặng cô dâu chú rể như một cách kỉ niệm, hay giúp đỡ cặp vợ chồng son sắm sửa thêm đồ đạc cho gia đình nhỏ thì ngày nay, mọi người chọn việc mừng tiền để thiết thực hơn trong cuộc sống.
Tiền mừng cưới được xem như là cách để khách mời chia sẻ với cô dâu, chú rể chi phí đám cưới, chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn. Dù chẳng ai nói ra nhưng mà câu chuyện mừng cưới thì nhà nhà đều hiểu rằng đó chính là khoản thu về để mọi người trang trải những chi phí trong đám cưới của gia đình mình.
Chính vì thế, chuyện tiền mừng cưới vẫn luôn là chủ đề nhạy cảm, không có con số nào cụ thể cho việc mừng bao nhiêu là nhiều hay bao nhiêu là ít. Điều quan trọng hơn giá trị phong bì là cách ứng xử sao cho tinh tế, phù hợp để không mất lòng đôi bên.
Tags