Muôn mặt mưu sinh đời tuyển thủ

Thứ Bảy, 16/02/2019 08:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thu nhập của các tuyển thủ thể thao Việt Nam được cải thiện trong những năm gần đây khi chế độ đãi ngộ, tiền công tập luyện và tiền thưởng thành tích đã tăng dần theo thời gian và cơ bản đáp ứng được nhu cầu về cơm, áo, gạo, tiền trong đời sống cá nhân của mỗi người. Dù vậy, điều này vẫn không thể ngăn được làn sóng hình thành thêm “nghề tay trái” của rất nhiều các tuyển thủ đã và đang tập luyện ở các đội tuyển quốc gia, trong đó, chủ yếu là kinh với những mô hình từ nhỏ đến lớn, nhất là kiểu kinh doanh online thời mạng xã hội.

Bùi Thị Thu Thảo - Từ cô gái chân ngắn trở thành nhà vô địch ASIAD

Bùi Thị Thu Thảo - Từ cô gái chân ngắn trở thành nhà vô địch ASIAD

Bùi Thị Thu Thảo đã làm nên lịch sử cho điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung khi lần đầu tiên đem về một tấm HCV ở môn điền kinh - một trong hai môn thể thao cơ bản của Olympic trên đấu trường ASIAD.

Nhà vô địch ASIAD bán khoai lang

Kể từ đầu năm 2019, những người bạn bè trên facebook của Bùi Thị Thu Thảo thực sự bất ngờ với dòng “tút”: “Khoai lang Tri Lai - Đồng Thái - Ba Vì nổi tiếng khắp nơi. Ai ăn đặt gạch em đi ạ, để em làm chuyến container xuống ạ. Bảo đảm ngon ngọt ăn chỉ có nghiện thui ạ”.

Và thế là kể từ ngày 03/01/2019, nhà vô địch ASIAD 18 đã “vô tình” trở thành một người bán khoai lang trên mạng. Theo giải thích của Thảo, đây là giống khoai lang rất ngon do chính gia đình Thảo trồng ở quê nhà, song việc bán ở quê khá khó khăn, nên ban đầu Thảo thử đăng lên facebook cá nhân với mục đích hỗ trợ mẹ trong việc bán khoai.

Điều ngạc nhiên là chỉ với dòng “tút” rất ngắn gọn này, 2 tạ khoai lang đã được bán chỉ trong vòng 3 ngày. Thậm chí, những phản hồi đầy tích cực trên trang cá nhân của Thảo về giống khoai “thơm, ngọt, vàng” đã trở thành những lời quảng cáo cực kỳ hiệu quả và khiến cho việc bán hàng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Cho đến trước kỳ nghỉ đón Tết Kỷ Hợi, nhà vô địch nhảy xa ASIAD 18 khoe đã bán được 1,5 tấn khoai với giá thành tốt hơn đôi chút so với ở quê nhà và chính xuất phát điểm đầy khích lệ này đã khiến Thảo trở nên “gắn bó” hơn với việc bán khoai.

Ban ngày, Thảo vẫn tập luyện với ĐTQG điền kinh tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, song đến tối sau giờ tập sau khi trở về ngôi nhà thuê gần đấy, Thảo lại cùng với chồng đi ship khoai theo đặt hàng từ trước. Ngay trước khi bài báo này đến tới tay các độc giả, facebook của Thảo cũng vừa cập nhật dòng “tút” mới nhất: “Nhà em còn khoảng 2 tạ khoai lang ạ, ai muốn mua khoai lang liên hệ với em nhé, để em gom rồi bảo mẹ gửi xe xuống 1 thể ạ” và đọc những dòng bình luận phía dưới, 2 tạ khoai cũng đã “bay” khá nhanh.

Hoa khôi bóng chuyền kinh doanh lẩu nấm

Kinh doanh là điều chưa bao giờ đơn giản, nhất là với một vận động viên quanh năm chỉ biết đến quần đùi áo số. Ấp ủ giấc mơ kinh doanh từ rất lâu nhưng cho đến cuối năm 2018, hoa khôi nổi tiếng của làng bóng chuyền Việt Nam - Phạm Thị Kim Huệ mới có cơ hội và quyết định hiện thực ước mơ của mình, khi tay đập này chính thức trở thành cổ đông của một nhà hàng lẩu nấm có tiếng tại Hà Nội.

Theo nhiều đồng nghiệp mô tả và chính lời chia sẻ của Kim Huệ - Quyết định kinh doanh để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chia tay nghiệp VĐV cũng mạnh mẽ như chính những bước chạy và cú đập của Huệ trên sàn đấu, trước những thách thức về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. “Tôi ấp ủ ước mơ kinh doanh từ rất lâu rồi, nhưng bóng chuyền lại là cuộc sống của tôi. Tôi không thể nào từ bỏ được. Đều là đam nên nên tôi có 1 mong muốn là có thể song hành 2 công việc đấy cùng nhau. Chắc chắn sẽ là khó khăn lớn đối với tôi. Nhưng tôi tin tôi sẽ làm được”, Kim Huệ chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ (giữa) làm ăn phát đạt với quán lẩu nấm

Kể từ ngày có sự xuất hiện của Kim Huệ trong vai trò quản lý, nhà hàng “Vua lẩu nấm thiên nhiên” tại 116 Hào Nam, Hà Nội đã đón thêm rất nhiều khách hàng trong giới thể thao. Bạn bè, đồng nghiệp tới đây không chỉ để chúc mừng, chia vui, mà còn mong muốn được chứng kiến một Kim Huệ trong một vai trò khác ở một lĩnh vực mới và quan trọng hơn cả là được thưởng thức một món lẩu mang hương vị rất đặc biệt.

Và tất nhiên, nếu những ai đã từng quen thuộc với hình ảnh Kim Huệ tung hoành trên mặt lưới cũng đều mong muốn, phụ công xuất sắc của bóng chuyền Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trên sàn đấu cuộc đời. Cho dù, đây là lĩnh vực đầy thách thức và ẩn chứa nhiều khó khăn hơn rất nhiều so với những trận đấu trên sân bóng chuyền mà Kim Huệ đã từng trải qua.

Nghề tay trái “nuôi” nghề tay phải

Chuyện kinh doanh của Thu Thảo và Kim Huệ chỉ là một vài ví dụ trong số hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về “nghề tay trái” của các tuyển thủ thể thao Việt Nam. Bởi không cần tìm đâu xa, chỉ cần vài giây “lướt” facebook của giới VĐV hoặc một cú click chuột trên mạng internet, rất dễ dàng để tìm được các tuyển thủ đã và đang kinh doanh rất nhiều mặt hàng khác nhau. Có người bán giày dép, quần áo. Có người bán trang thiết bị dụng cụ thể thao. Có người bán cafe hay mở cửa hàng ăn uống. Có người bán mỹ phẩm. Có người kinh doanh khách sạn… với muôn hình vạn trạng các loại hình.

Xuất phát điểm của mỗi người khi đến với nghiệp kinh doanh cũng khác nhau. Người thì đơn giản để hỗ trợ gia đình. Người muốn thử sức ở một lĩnh vực mới. Người thì cần tìm thêm nguồn thu nhập để giải tỏa nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền trong cuộc sống mưu sinh. Người có điều kiện thì làm chủ. Ít điều kiện hơn một chút thì góp vốn hoặc buôn bán nhỏ…. nhưng có lẽ điểm chung duy nhất của tất cả đều là mong muốn kiếm tiềm trong bối cảnh thu nhập từ nghề VĐV chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản.

Một nhà vô địch điền kinh ở ASIAD như Bùi Thị Thu Thảo cũng chỉ có khoản thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng và rõ ràng khoản tiền này là không thể đủ nếu như cô gái vàng của điền kinh Việt Nam muốn có một cuộc sống tốt hơn hay đơn giản là toàn tâm toàn ý cho việc tập luyện mà không phải mảy may suy nghĩ đến chuyện nhà cửa, con cái sau này. Vậy nên, chuyện VĐV tham gia kinh doanh hay phải làm thêm “nghề tay trái” ngày một nhiều hơn trên thực tế là điều khó tránh khỏi. Thể thao có thể là niềm đam mê nhưng chỉ một số ít tuyển thủ có thể sống được và sống khỏe bằng nghề.

Việc có một quy định hỗ trợ đặc thù về hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm cho vận động viên thể thao sau khi giải nghệ cũng đã được nêu ra. Thế nhưng trước khi nó được thông qua, thì các vận động viên vẫn phải tự tìm cách cải thiện thu nhập không chỉ bằng việc thi đấu tốt mà bằng cả những kiến thức và hiểu biết về môn thể thao họ đang theo đuổi. Không phải ai cũng sống được với nghề thể thao theo công thức từ lâu mơ ước: Vận động viên - Huấn luyện viên - Cán bộ quản lý thể thao.

Vũ Hiền

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›