Muôn mặt Ultra…

Thứ Năm, 09/07/2015 08:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhóm Ultra (CĐV nhiệt thành) có thể gây ảnh hưởng khủng khiếp lên một CLB bóng đá.

Atletico Madrid đã trục xuất một nhóm CĐV khỏi sân nhà Vicente Calderon còn Deportivo La Coruna đóng cửa khu khán đài mà các ultra tụ tập trên sân Riazor, sau cái chết của CĐV Francisco Romero Taboada vào tháng 12/2014.

Quyết định được đưa ra sau tác động của chính phủ Tây Ban Nha, nhằm đẩy lùi các nhóm Ultra bạo lực, nâng hình phạt cho các CLB đến mức đánh tụt hạng.

Ultra biến tướng

Romero là thành viên một nhóm Ultra ủng hộ Deportivo. Ông thiệt mạng sau cuộc ẩu đả của hàng trăm CĐV quá khích tại một khu phố trước trận Atletico - Deportivo.

Giám đốc ủy ban giám sát và điều hành thể thao TBN, Ana Munoz, chỉ trích Deportivo vì họ dành một phút tưởng niệm Romero trước trận gặp Atletico. Cựu Chủ tịch Augusto Cesar Lendoiro bị trục xuất khỏi vai trò đại sứ CLB vì bị phát hiện đến dự lễ tang của nhân vật này.

Khái niệm ultra xuất hiện lần đầu tại Brazil cuối những năm 1930, tràn đến Italy những năm 1950, giờ gắn bó với bóng đá như máu thịt.

Họ là những người cổ động cuồng tín, dành nhiều giờ để vẽ một chiếc băng-rôn, treo lên khán đài một tấm ảnh lớn, đánh trống cuồng nhiệt cả trận...

Một cầu thủ từng dự World Cup với đội tuyển TBN kể với kí giả Graham Hunter: Ông phải trả cả đống tiền cho một nhóm Ultra để mong chúng “tha tội”.

Trong thời gian làm Chủ tịch Barcelona, Joan Laporta nhận nhiều lời dọa giết. Ông ngấm ngầm chiến đấu với nhóm cực đoan này để yên ổn.

Nhóm Ultra ở khu khán đài phía nam sân San Siro (Curva Sud) chặn cửa sân vận động đòi nói chuyện phải quấy với đội trưởng Christian Abbiati vì bức xúc với phong độ của AC Milan. Họ dọa không đến sân nữa, không mua vé, nghĩa là CLB thiệt hại lớn về kinh tế.

Tạm chia CĐV bóng đá châu Âu ra thành hai nhóm: một vô tư, một cuồng tín thậm chí điên rồ, như những nhóm ultra vừa kể. Nhưng họ có một điểm chung là đều đến với CLB bằng tình yêu, và gần như không được hỗ trợ về mặt tài chính (nếu có cũng rất nhỏ).

Và Ultra kiểu Việt Nam

Nếu các nhóm Ultra (Contras) của Hà Nội T&T hay B.Bình Dương có hướng phát triển thành những nhóm CĐV quá khích như đã kể, họ đương nhiên đáng bị loại khỏi đời sống bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu họ chỉ đơn thuần là những hội nhóm tự lập, không gây rối, ẩu đả hay vi phạm pháp luật, họ là báu vật của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Lý do là bởi họ mới chính là những nhóm CĐV thật sự của V-League, xuất hiện theo hướng phát triển tự nhiên của bóng đá chuyên nghiệp. Đá đẹp thì có CĐV. Lối đá có bản sắc thì có người ủng hộ. Ở Việt Nam, người ta quen với các nhóm CĐV được CLB công nhận, bao cấp vé vào sân, thậm chí được… trả lương để cổ động.

Họ không phải Ultra. Nếu được trả lương, họ cũng không phải CĐV bóng đá, mà họ thực chất là người làm thuê của CLB!

Bóng đá Việt đã mất đi một lượng lớn CĐV vì CLB thay đổi phiên hiệu xoành xoạch, hoặc tệ hơn là biến mất khỏi bản đồ. Bóng đá Việt đã mất đi không khí của derby Hà Nội giữa Công An Hà Nội với Thể Công, nơi CĐV chẳng được hỗ trợ gì vẫn kéo đến nườm nượp chỉ vì tình yêu.

Họ chính là Contras Hà Nội, Contras Bình Dương ở một hình hài khác, với số lượng nhân lên hàng ngàn lần! Họ là nguồn sống của bóng đá chuyên nghiệp, nên mong họ đừng trở thành những “Hội nhóm Romero”.

Hãy tưởng tượng, nếu những tấm banner in hình cầu thủ Hà Nội T&T trải xuống khu khán đài B sân Hàng Đẫy trong trận gặp SHB Đà Nẵng hôm 4/7 vừa qua, được phủ lên những khuôn mặt hân hoan thay vì khán đài trống vắng, sẽ tuyệt vời biết bao nhiêu?

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›