Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt musical show “Chuyện phố thời bao cấp”, để lại ấn tượng đặc biệt cho khán giả. Câu chuyện về thời tem phiếu bao cấp vốn là những ký ức khó quên đối với thế hệ 6X, 7X được kể sinh động bằng các tác phẩm âm nhạc thịnh hành những năm 80 của thế kỷ trước. Câu chuyện này sẽ tiếp tục đến với khán giả vào ngày 4 và 18/11.
Tái hiện không gian thời bao cấp
Trước giờ biểu diễn, không gian nhỏ hẹp bên ngoài khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ chật kín khách. Khán giả đều rất ấn tượng và thích thú với những bối cảnh thời bao cấp được tái hiện tại đây. Chỗ này là quầy bán nước chè, kẹo lạc, chỗ kia là cửa hàng mậu dịch quốc doanh bày bán các loại bánh kẹo, thuốc lá. Một tiệm may đơn sơ với chiếc máy khâu cũ, thúng cốm dẻo thơm, mẹt hàng hoa đậm đặc nét văn hóa Hà Nội… Ở góc trong cùng, có cả một phông bạt sân khấu phục dựng đám cưới thời bao cấp. Nếu đến sớm, khán giả còn có cơ hội chụp hình lưu niệm cùng cô dâu, chú rể...
Hầu hết những người có mặt trong không gian đặc biệt này đều thích thú khi được sống lại trong không gian bao cấp một thời với tem phiếu, với sổ gạo… ngày xưa. Nhiều người xếp hàng chờ chụp ảnh lưu niệm, mọi người vừa vui vẻ chào hỏi, trò chuyện, hào hứng trải nghiệm các “dịch vụ” thời bao cấp...
Musical show “Chuyện phố thời bao cấp” do nhà báo, nhạc sỹ Trần Lệ Chiến viết kịch bản, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết đạo diễn, nhạc sỹ Tuấn Nghĩa và Trần Cường phụ trách âm nhạc, nghệ sỹ Vũ Khánh biên đạo múa, Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng thiết kế sân khấu.
“Chuyện phố thời bao cấp” kể câu chuyện xảy ra trong một gia đình tứ đại đồng đường, sinh sống trong phố cổ ở Hà Nội. Gia đình nhiều thế hệ, nên cuộc sống cũng chẳng mấy dễ dàng... Mỗi người một suy nghĩ, một công việc và quan niệm sống cũng có những đối nghịch. Nhìn ra xung quanh, hàng xóm cũng là những gia đình có điều kiện, hoàn cảnh sống, văn hóa khác nhau nên ít nhiều trong cuộc sống cũng có những mâu thuẫn không thể tránh khỏi. Ngay cả sở thích về âm nhạc cũng mỗi người mỗi khác, dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh trong những tình huống vui, hài hước.
Cuối cùng, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống đó lại được hàn gắn bởi âm nhạc, bởi tất cả mọi người trong gia đình, trong khu phố đều có cùng tình yêu với âm nhạc. Âm nhạc đã xóa nhòa tất cả những mâu thuẫn trong xã hội, hàn gắn tình cảm giữa con người với con người. Sau tất cả, một đám cưới với hoa tươi, nụ cười ấm áp trong không khí tưng bừng của âm nhạc với những điệu nhảy cuồng nhiệt của các bạn trẻ cho thấy cuộc sống thật tươi đẹp…
Trong musical show “Chuyện phố thời bao cấp”, khán giả được thưởng thức những ca khúc vốn rất thịnh hành vào những năm 1980 của thế kỷ XX như: “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Hoa sữa” của nhạc sỹ Hồng Đăng; “Nhớ mùa Thu Hà Nội” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn; “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Hiệp; “Thành phố buồn” của nhạc sỹ Lam Phương; “Bảy ngày đợi mong”, “Chuyện hẹn hò” của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh; “Như khúc tình ca”, “Ơi cuộc sống mến thương” của nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện; “Câu chuyện nhỏ của tôi” của nhạc sỹ Thanh Tùng; “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én” của nhạc sỹ Trần Tiến; “Em như tia nắng mặt trời” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Trung; “Hà Nội những công trình” của nhạc sỹ Quốc Trường; “River Babylon” của nhóm nhạc Boney M...
Chương trình có sự tham gia của các Nghệ sỹ ưu tú: Đức Long, Ánh Tuyết; các ca sỹ: Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang…
Điểm nhấn khác biệt của “Chuyện phố thời bao cấp” không là tái hiện không gian bao cấp bên ngoài khán phòng mà còn ở cách mà ê kíp sáng tạo thực hiện một chương trình ca nhạc, nhưng được kể bằng một câu chuyện có cốt truyện, hình tượng nhân vật, lời thoại kịch… tạo ấn tượng đặc biệt cho khán giả.
Có thể nói, “Chuyện phố thời bao cấp” là chương trình nghệ thuật tái hiện lại cuộc sống của người dân Việt Nam giai đoạn manh nha đổi mới. Từ cảnh “buôn chuyện” khi chờ lấy nước, đến xếp hàng từ đêm để mua gạo, cảnh sinh hoạt đời thường, dung dị thời bao cấp… được ê kíp thực hiện tái hiện nhẹ nhàng và tinh tế, xen lẫn trong đó là một chương trình âm nhạc với nhiều ca khúc “hot hit”, đình đám của thời bấy giờ.
Bên cạnh đó, sân khấu được thiết kế “đậm đặc” không gian thời bao cấp với cây cột điện và những chiếc loa phát thanh, máy nước công cộng, cửa hàng mậu dịch… cũng gây xúc động và mang đến cảm giác hoài niệm cho người xem.
Kể chuyện cũ theo cách mới
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, chỉ đạo nghệ thuật musical show “Chuyện phố thời bao cấp” cho biết, nhằm mang đến một chương trình mới cho khán giả trẻ tuổi nói riêng và khán giả Thủ đô nói chung, Nhà hát Tuổi trẻ muốn kể câu chuyện về Hà Nội những năm 1980 của thế kỷ XX bằng âm nhạc. Khi ấy, cuộc sống còn rất thiếu thốn, khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân khá sôi nổi, vui tươi. Văn nghệ thời bấy giờ có nhiều chuyển động ghi dấu ấn, với sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Từ âm nhạc dân tộc, cổ truyền, đến âm nhạc cách mạng, âm nhạc phương Nam, rồi những tác phẩm điệu Tây lời ta, tác phẩm âm nhạc nước ngoài du nhập đã trở thành trào lưu trong giới trẻ Hà Nội thập niên 1980... Tất cả được làm “sống” lại trong chương trình “Chuyện phố thời bao cấp”.
“Câu chuyện mà chúng tôi muốn kể có lẽ đã không còn xa lạ, nhưng với cách kể chuyện mới lạ, chúng tôi tin rằng sẽ mang đến cho khán giả những điều thú vị, hấp dẫn”, Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến cho hay.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Ánh Tuyết cho biết, “Chuyện phố thời bao cấp” được thực hiện từ tình yêu với Hà Nội, tình cảm gắn bó, nhớ thương về một thời đã xa. Ê kíp sáng tạo muốn lưu giữ và làm sống lại những ký ức đó, để khán giả đã từng trải qua có thể trở về, các bạn trẻ chưa từng trải qua sẽ thêm hiểu về quá khứ, từ đó biết trân quý những giá trị đương thời.
Chia sẻ cảm xúc khi xem chương trình, chị Trần Thúy Nga (quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị rất ấn tượng và xúc động khi xem musical show “Chuyện phố thời bao cấp”. Một chương trình nhẹ nhàng, thú vị nhưng đã tái hiện một cách chân thực về cuộc sống người dân Việt Nam thời bấy giờ.
“Từ không gian tái hiện bên ngoài khán phòng, hay bối cảnh thiết kế trên sân khấu đều mang đến cho tôi cảm giác hoài niệm về một thời xếp hàng mua gạo, mua thịt bằng tem phiếu mà chính tôi đã trải qua ngày xưa, cái thời rất vất vả, nhưng cũng đầy kỷ niệm. Đặc biệt, ê kíp thực hiện đã lựa chọn rất kỹ những ca khúc trong chương trình, những bài hát tôi đã nghe rất nhiều, khiến tôi thấy thật nhẹ nhàng và rất đỗi gần gũi, thân quen”, chị Trần Thúy Nga chia sẻ.
Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Kỳ bày tỏ, ông rất xúc động khi xem musical show “Chuyện phố thời bao cấp”. Chương trình có rất nhiều tiết mục, bài hát mà thế hệ các ông đã hát ngày xưa, bởi vậy, khi xem chương trình, ông như thấy lại được bóng hình của chính mình thời tuổi trẻ sôi nổi. Cái thời mà các nghệ sỹ hát nhiều những bài hát của nhạc sỹ Hồng Đăng, nhạc sỹ Trần Tiến, hay các bài hát ngoại quốc của Boney M… “Tôi rất vui khi xem chương trình và thấy mình như được trở lại tuổi thanh xuân rực rỡ ngày xưa”, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Kỳ xúc động nói.
Musical show “Chuyện phố thời bao cấp” khép lại bằng giai điệu rộn ràng, sôi động của ban nhạc Boney M, từng làm mưa làm gió ở các đám cưới thời bao cấp ngày xưa. Khán giả ào lên sân khấu cùng nhún nhảy và hòa mình vào không khí vui nhộn của đám cưới của đôi bạn trẻ. Và “Chuyện phố thời bao cấp” bằng âm nhạc sẽ tiếp tục được kể lại cho khán giả các thế hệ để khơi dậy và đánh thức những giá trị văn hóa xưa và nay.
Tags