18/12/2018 08:32 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/12, một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết, trong cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra ở Buenos Aires (Argentina), Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hề đưa ra cam kết sẽ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức giấu tên nêu trên nhấn mạnh: “Mặc dù đã gặp Tổng thống Erdogan tại G20, nhưng Tổng thống Trump chưa hề cam kết sẽ dẫn độ ông Fethullah Gulen”. Thông tin trên được đưa ra khi ngày 16/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rằng Washingon đang thực hiện việc dẫn độ Giáo sĩ Gulen, hiện sống tại Mỹ, bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô Doha của Qatar, Ngoại trưởng Cavusoglu nêu rõ: "Tại Argentina, ông Trump nói với ông Erdogan rằng họ đang thực hiện dẫn độ giáo sĩ Gulen và người khác. Tôi gần đây đã thấy một cuộc điều tra đáng tin cậy do Cục Điều tra Liên bang Mỹ tiến hành về cách thức tổ chức của Gulen trốn thuế". Ngoài ra, quan chức ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành chiến trong cuộc bầu cử dân chủ thì Ankara sẽ xem xét việc hợp tác với nhà lãnh đạo này của Syria.
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Cavusoglu đã trao cho giới chức Mỹ danh sách 84 nhân vật thuộc mạng lưới ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan gửi danh sách và trong chuyến thăm Washington, ông đã trao danh sách trên cho người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton.
Trong danh sách gồm 84 người này có cả tên của giáo sĩ Gulen. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông đã không nhận được bất kỳ "sự đảm bảo" nào sau cuộc gặp với giới chức Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - vốn luôn căng thẳng trong thời gian gần đây, đã có tín hiệu ấm dần lên sau khi Ankara thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson hồi tháng 10. Số phận của giáo sĩ Gulen hiện vẫn là tâm điểm trong các cuộc trao đổi giữa hai nước.
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gul cho biết kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016 đến nay, Ankara đã phạt tù hơn 260.000 người, đồng thời bắt giữ gần 58.000 người có quan hệ với mạng lưới của giáo sĩ Gulen. Ankara đã tiến hành các chiến dịch bắt giữ và đàn áp phong trào giáo sĩ Gulen kể từ sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đập tan vụ đảo chính quân sự vào ngày 15/7/2016. Ankara cáo buộc tổ chức Fetullah (FETO) và giáo sĩ Hồi giáo Gulen đứng sau vụ đảo chính, làm ít nhất 251 người thiệt mạng và hơn 2.200 người bị thương.
Mặc dù vấp phải sự phản đối từ nhiều nước phương Tây, song chính quyền Ankara khẳng định việc bắt giữ và sa thải những đối tượng liên quan là cần thiết để loại bỏ sự xâm nhập của mạng lưới do giáo sĩ Gulen đứng đầu vào các cơ quan của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, giáo sĩ Gulen luôn bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính năm 2016.
TTXVN/Trần Mạnh Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất