Con đường pháp lý bế tắc
![]() Bắc Cực ngày càng trở nên hấp dẫn |
Theo Simonov, có hai phương án diễn tiến sự việc: Thứ nhất là có sự đụng độ vũ trang trực tiếp giữa các bên tranh chấp, thứ hai là Bắc Cực sẽ trở thành một trong những trận tuyến tiềm tàng cho các cuộc chiến tranh giành tài nguyên tương lai. Canada và Mỹ tiến hành tập trận ở Bắc Cực, Mỹ tích cực hiện đại hóa trạm vô tuyến định vị ở Greenland, còn Canada thì xây dựng hai căn cứ hải quân ở vùng cực. Cả Mỹ và Canada đều đã thông qua chương trình phát triển lực lượng hải quân ở Bắc Cực. Điều đó nói lên rằng cuộc đối đầu quân sự đang được chuẩn bị.
Đó là cách nhìn của phía Nga. Các nước phương Tây lại cho rằng Moskva đã khơi mào cho sự tranh chấp Bắc Cực. Tờ Times (Anh) viết rằng Nga là nước đầu tiên đưa ra khả năng sẽ xảy ra chiến tranh ở Bắc Cực. Trong “Chiến lược an ninh quốc gia mới” Moskva đã xác định việc các quốc gia tích cực tranh chấp vùng đất rộng mênh mông chưa được khai phá là một trong những nguồn gốc gây nên các cuộc xung đột vũ trang trong 10 năm tới. Văn kiện này nêu rõ rằng sự tồn tại và leo thang các cuộc tranh chấp quân sự ở sát biên giới Nga, việc chưa phân định dứt khoát đường biên giới giữa Nga với các nước láng giềng là những nguy cơ chủ chốt đe dọa lợi ích và an ninh của Nga từ nay đến năm 2020. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt không loại trừ phải dùng đến giải pháp vũ lực, sự cân bằng lực lượng ở gần biên giới Nga và biên giới các đồng minh của Nga có thể bị phá vỡ. Moskva khẳng định Nga “không quân sự hóa Bắc Cực”, còn lời cảnh báo về các cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng chỉ nhằm chứng tỏ rằng khi cần thiết Nga sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình bằng quân sự.
Vì sao vùng cực “lên giá”?
![]() Phần gạch chéo là vùng được Nga “xí phần” ![]() Tàu ngầm Nga mang quốc kỳ cắm ở biển Bắc Cực ![]() Chiến tranh sẽ xảy ra? |
Theo luật biển quốc tế hiện nay, các nước có thể coi vùng nước cách bờ biển 12 hải lý (20 km) là lãnh hải của mình. Quốc gia nào ký Công ước LHQ về luật biển thì có quyền coi vùng nước cách bờ biển 200 hải lý nằm trên phần thềm lục địa của quốc gia là vùng kinh tế đặc quyền. Vùng này có thể được mở rộng tới nơi mà quốc gia đó chứng minh được cấu trúc của thềm lục địa tương tự cấu trúc địa chất trong lãnh thổ của nước đó, tức “thềm lục địa kéo dài”. Nghĩa là họ có thể sở hữu dầu mỏ, khí đốt nằm trong lòng biển ở khu vực “thềm lục địa kéo dài”.
Tiếp đó, tháng 8/2007 hai tàu ngầm mini của Nga đã chở các nhà thám hiểm Nga cùng lá cờ bằng titanium không gỉ xuống đáy biển Bắc Cực ở độ sâu 4.200 m để khẳng định chủ quyền. Canada, quốc gia cũng đã khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực, chỉ trích Nga gay gắt. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Peter MacKay nói: “Đây không phải là thế kỷ 15. Mọi người không thể cứ đi vòng quanh thế giới rồi cắm cờ và nói: Chúng tôi khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này’’. Ngoài Canada, còn có Mỹ, Đan Mạch và Na Uy, những nước giáp giới với Bắc Cực, cũng khẳng định chủ quyền của mình đối với vùng đất này.
Bất chấp sự phản đối của các nước khác, Nga vẫn coi Bắc Cực là “nền tảng dự trữ chiến lược” của mình và lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ khai thác tài nguyên ở phần thềm lục địa Bắc Cực rộng ngang với lãnh thổ của vùng Tây Âu.
Trước đây Bắc Cực thực sự “ngủ yên” dưới lớp băng dày vĩnh cửu. Nhưng Trái Đất đang ấm dần, băng ở vùng cực Bắc đang tan chảy dần và như vậy khả năng khai thác tài nguyên ở nơi này sẽ khả thi hơn.
Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứ địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng dầu mỏ ở Bắc Cực là khoảng 160 tỷ thùng, ước tính bằng 30% trữ lượng dầu mỏ chưa được khảo sát trên toàn thế giới. Ta hãy so sánh với Saudi Arabia. Đất nước được gọi là “giếng dầu lớn nhất hành tinh”, theo số liệu của British Petroleum, đang cất giữ trong mình 265 tỷ thùng, chiếm 25% trữ lượng thế giới. Trong bối cảnh năng lượng trở thành một bộ phận cấu thành của vấn đề an ninh toàn cầu thì thật dễ hiểu vì cao vùng đất lạnh lẽo hoang vu bỗng dưng lại “lên đời”.
Trần Quang Vinh