Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết Bộ Thương mại nước này đã công bố số liệu điều chỉnh về mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2022. Theo đó, nền kinh tế số 1 thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 2,7% trong 3 tháng cuối năm ngoái, thấp hơn so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.
Trong một báo cáo, Bộ trên cho biết mức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng Mỹ trong thời điểm mua sắm cuối năm ngoái thấp hơn so với các ước tính đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ hiện nay vẫn đang có những dấu hiệu phát triển mạnh mẽ như số lượng đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp theo tuần tính đến ngày 23/2 chỉ là 192.000 đơn, thấp nhất trong 53 năm qua, hay doanh số bán lẻ trong tháng 1 và hoạt động kinh doanh trong tháng 2 tiếp tục khả quan. Tất cả những điều này có thể sẽ buộc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tiếp tục kéo dài lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát về mức mục tiêu.
Trong biên bản cuộc họp tháng 1 của FED vừa được công bố, chỉ số lạm phát thực tế ở Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu là 2% trong khi thị trường lao động tiếp tục gây áp lực lên tiền lương và giá cả. Điều này cho thấy việc FED tăng lãi suất trong thời gian qua có thể vẫn chưa đủ mạnh để tác động vào phần lớn nền kinh tế và kéo lùi lạm phát theo tốc độ mong muốn.
Hiện có nhiều ý kiến tại Mỹ cho rằng có thể FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 3 tới, cùng với một vài lần tăng nữa sau đó để đưa lãi suất lên mức cao nhất là 5,5% trong năm nay. Tuy nhiên, việc tăng nhanh và mạnh lãi suất cơ bản cũng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Tags