(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết quả điều tra và chính thức kết tội 12 nhân viên tình báo Nga tấn công cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
- Có chất độc Novichok giống vụ điệp viên Nga trong vụ đầu độc tại Anh
- Vì sao Anh muốn đưa hai cha con cựu điệp viên Nga bị đầu độc tới Mỹ?
- Con gái cựu điệp viên Nga Skripal hồi tỉnh, đã có thể nói chuyện
Trong một thông cáo, Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết luận điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời kết tội 12 công dân Nga dính líu tới “một nỗ lực lâu dài nhằm xâm nhập các hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ” và hòm thư điện tử của ứng cử viên Hillary Clinton.
Nguồn tin trên nêu rõ 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Cáo trạng cho rằng nhóm nhân viên tình báo Nga đã tấn công hệ thống máy tính của đảng Dân chủ và John Podesta, Chủ tịch chiến dịch trang cử tổng thống của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, rồi sau đó có ý làm rò rỉ thông tin qua các trang như WikiLeaks.
Trước đó, nhóm điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hồi tháng 2 cũng đưa ra những cáo trạng hình sự đối với 13 công dân Nga và 3 công ty Nga với lý do can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Thậm chí ngày 15/3 Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga, trong đó có các cơ quan tình báo, vì cái gọi là "can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng”.
Trong số các tổ chức và cá nhân của Nga bị Mỹ áp đặt trừng phạt có Cơ quan an ninh liên bang (FSB), lực lượng GRU và 6 cá nhân làm việc cho GRU.
Cá nhân nổi bật nhất bị liệt vào danh sách trừng phạt của Washington là ông Viktorovich Prigozhin, người nổi tiếng với biệt danh là “bếp trưởng của Tổng thống Vladimir Putin,” và có quan hệ mật thiết với ông Putin.
Bất chấp việc Nga luôn bác bỏ, các cơ quan tình báo của Mỹ đều đưa ra kết luận Moskva can thiệp cuộc bầu cử nhằm mang lại lợi thế cho Tổng thống Donald Trump.
Việc Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết quả điều tra nói trên diễn ra chỉ 3 ngày trước sự kiện lịch sử tại Helsinki (Phần Lan), nơi Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lần đầu tiên tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh. Hiện không rõ động thái bất ngờ trên có ảnh hưởng gì tới hội nghị được cả thế giới quan tâm này hay không.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết thêm đã báo cáo gấp kết quả điều tra mới này với Tổng thống Trump, người đang có chuyến thăm chính thức tới Anh và dự kiến gặp người đồng cấp Nga vào ngày 16/7 ở Helsinki. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cũng nói rằng việc tình báo Nga can thiệp không ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2016, với chiến thắng đầy bất ngờ thuộc về ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump.
Nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ sâu sắc tại Mỹ suốt hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc Nga dính dáng tới cuộc bầu cử tại “xứ sở cờ hoa”.
Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tags