(Thethaovanhoa.vn) - Trong khoảng thời gian từ năm 2001 - 2017, Mỹ đã mất 9,7 triệu hécta diện tích đất tự nhiên, tương đương với diện tích của 9 công viên quốc gia Grand Canyon. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là các hoạt động nông nghiệp, phát triển năng lượng, mở rộng đô thị tràn lan và các yếu tố khác liên quan tới con người.
Đáng lo ngại là thực tế này đang khiến Mỹ ngày càng dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu.
- WMO: Nhiều vùng đất có thể bị nước biển nhấn chìm do biến đổi khí hậu
- Ứng phó với biến đổi khí hậu: Bước đi tiên phong của khoa học và công nghệ
Theo một nghiên cứu do Trung tâm Vì sự tiến bộ Mỹ công bố ngày 6/8, Mỹ cần đặt mục tiêu bảo tồn 30% diện tích đất đai và đại dương vào năm 2030 để ngăn chặn sự suy giảm mạnh các khu vực tự nhiên, qua đó sẽ giúp bảo vệ đất nước trước những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã.
Bằng cách tính toán tỷ lệ thất thoát đất tự nhiên thông qua đánh giá tác động của việc khai thác dầu khí, xây dựng đường bộ, mở rộng đô thị tràn lan, nông nghiệp và các hoạt động khác của con người, nghiên cứu chỉ ra rằng hiện chỉ có 12% diện tích đất liền của Mỹ đã được bảo tồn như các công viên quốc gia, các khu vực hoang dã và các khu vực được bảo vệ khác, trong khi 26% lãnh hải của Mỹ được "miễn nhiễm" với các hoạt động khai thác dầu khí. Nghiên cứu cũng lưu ý Mỹ đang bước vào kỷ nguyên mà nước này sẽ phụ thuộc hơn bao giờ hết vào sự toàn vẹn và ổn định của thế giới tự nhiên để duy trì sự thịnh vượng, phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chống lại các tác động của biến đổi khí hậu.
Cũng theo nghiên cứu này, những thất thoát nghiêm trọng nhất của các khu vực tự nhiên đã xảy ra ở miền Nam và Trung Tây nước Mỹ khi các hoạt động xây dựng thành phố, trang trại, đường sá hay các nhà máy điện đã tiêu tốn từ 45% đến 59% diện tích đất. Tài liệu này khuyến cáo để đạt được mục tiêu bảo tồn 30% diện tích đất vào năm 2030, Mỹ cần tăng cường thúc đẩy các chính sách bảo tồn đất hiện có cả ở cấp liên bang và địa phương.
Phương Oanh/TTXVN
Tags