Các chuyên gia cảnh báo ăn cá nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc gấp nhiều lần tương đương với việc uống hóa chất.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường cho biết, nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 500 mẫu từ các sông và hồ trên khắp nước Mỹ từ năm 2013 đến 2015 và phát hiện được rằng mức độ ô nhiễm PFAS trong cá ở đây trung bình là 9.500 nanogram trên mỗi kg.
Gần 3/4 "hóa chất vĩnh cửu" được phát hiện là PFOS, một trong những chất phổ biến và nguy hiểm nhất trong số hàng nghìn PFAS. Các nhà nghiên cứu tính toán rằng, chỉ cần ăn một con cá nước ngọt đánh bắt ở các sông hồ ở Hoa Kỳ tương đương với việc uống nước bị nhiễm “hóa chất vĩnh cửu” PFAS độc hại trong một tháng ở mức 48 phần nghìn tỉ.
Những tấm biển cảnh báo đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các ao hồ ở 1 số quốc gia.
Năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã hạ mức PFOS trong nước uống được xem là an toàn xuống còn 0,02 phần nghìn tỉ. Nghiên cứu cho biết, tổng mức PFAS trong cá nước ngọt cao hơn 278 lần so với mức được tìm thấy trong cá bán trong siêu thị.
Hóa chất vô hình trên có tên PFAS được phát triển vào những năm 1940 để chống nước và nhiệt. PFAS gồm PFOA, PFOS, GenX. Đây là các hợp chất không phân hủy sinh học (non-biodegradable compounds) được dùng để nhuộm, bôi trơn trong các sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, và đóng gói thực phẩm.
PFAS có nhiếu trong bao bì đóng gói thực phẩm. (Ảnh minh họa)
Hóa chất này có trong thực phẩm được chế biến bằng các thiết bị sử dụng PFAS hoặc thực phẩm được trồng trong vùng đất hoặc nước bị nhiễm PFAS, các sản phẩm gia dụng (vải không thấm nước, các sản phẩm không dính, hộp bánh, thuốc chống vết bẩn…)
Ngoài ra còn có ở các cơ sở sản xuất hoặc các ngành công nghiệp như mạ crôm, sản xuất điện tử hoặc phục hồi dầu có sử dụng PFAS.
Tuy nhiên, PFAS có tính chất không thể bị phá hủy, dẫn tới các chất ô nhiễm tích tụ theo thời gian trong không khí, đất, hồ, sông, thực phẩm, nước uống và thậm chí cả trong cơ thể người.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi quy định chặt chẽ hơn với PFAS. Hóa chất này có liên quan đến loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm tổn thương gan, cholesterol cao, giảm phản ứng miễn dịch.
Nhiều chuyên gia nhận ra có mối liên hệ chặt chẽ giữa PFAS và các bệnh lý thận như suy giảm độ lọc cầu thận, tổn thương ống thận và ung thư thận. Tuy vậy cần thêm những nghiên cứu về đo lường sự tích lũy hóa chất này trong cơ thể và các nghiên cứu theo dõi dài ngày để hiểu rõ hơn chuyện này.
David Andrews, nhà khoa học cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận Environmental Working Group, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Những người ăn cá nước ngọt, đặc biệt là những người đánh bắt và ăn cá thường xuyên, có nguy cơ nhiễm PFAS trong cơ thể ở mức đáng báo động.
Khi lớn lên, tôi đi câu cá hàng tuần và ăn những con cá đó. Nhưng bây giờ khi tôi nhìn thấy cá, tất cả những gì tôi nghĩ đến là ô nhiễm PFAS". Ông David bày tỏ.
Ông cũng chỉ ra những phát hiện này đặc biệt đáng lo ngại, đặc biệt với các cộng đồng tiêu thụ cá như nguồn nông sản chính. Ngoài ra, việc sản xuất và sử dụng PFAS trong vô số sản phẩm tiêu dùng hàng ngày đã gây ra tình trạng ô nhiễm PFAS trên diện rộng. Ô nhiễm PFAS đã nhận được sự chú ý của công chúng và truyền thông ở nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Úc; tuy nhiên, thông tin về hợp chất này ở nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, còn rất thiếu và khó tiếp cận.
Việc kiểm soát và loại bỏ PFAS là một hành động góp phần đạt một số mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do tác động tiêu cực của hợp chất này đối với sức khỏe và hệ sinh thái, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường nước.
Patrick Byrne, nhà nghiên cứu ô nhiễm môi trường tại Đại học Liverpool John Moores của Vương quốc Anh, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết, PFAS "có lẽ là mối đe dọa hóa học lớn nhất mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ 21".
"Nghiên cứu này rất quan trọng vì cung cấp bằng chứng đầu tiên về sự lan rộng của PFAS trực tiếp từ cá sang người" - ông nói thêm.
Cách nhận biết cá bị nhiễm độc:
- Mang cá là cơ quan hô hấp của cá, giống như buồng phổi của con người, phần lớn chất độc sẽ tập trung tại đây. Mang cá bị nhiễm độc không sáng trơn, hơi thô và có màu hồng thâm đậm.
- Cá bị nhiễm độc mắt thường đục chứ không tinh anh như cá bình thường, thậm chí có con mắt còn bị lồi ra ngoài.
- Những con cá nhiễm độc có mủn vảy, long vảy thành đám, điều này là dấu hiệu của nhiễm khuẩn nặng .
- Nếu những con cá bình thường có mùi tanh thì những con cá nhiễm độc sẽ có nhiều mùi lạ như mùi dầu hôi, mùi tỏi…
- Cá bị nhiễm độc nặng thì mình cá không còn nguyên, đầu to đuôi nhỏ, lưng cong gù thậm chí có u. Có con da còn bị vàng và đuôi xanh, có đốm đỏ trên cơ thể, loang lổ, cơ thể xây xước nhiều.
Nguồn: Theo Eurekalert
Tags