Máy bay tàng hình Mỹ đã bị “lộ”?

Thứ Hai, 24/01/2011 11:06 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Trung Quốc mới đây đã khoe khéo chiếc máy bay tàng hình công nghệ cao mang tên J-20 của nước này, với khả năng đe dọa tới ưu thế trên không của Mỹ và thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực. Tuy nhiên thứ vũ khí đặc biệt này rất có thể đã chứa rất nhiều công nghệ mà Trung Quốc lấy được từ mẫu máy bay tàng hình F-117 của Mỹ .

Hãng tin AP hôm 23/1 đưa tin cho biết các quan chức quân sự ở vùng Balkan và một số chuyên gia đã nói về khả năng Trung Quốc đã thu thập và sử dụng bí mật công nghệ về máy bay tàng hình, từ một chiếc máy bay F-117 Nighthawk của Mỹ bị bắn rơi tại Serbia vào năm 1999.

Nguyên mẫu: chiến đấu cơ tối mật F-117

F-117 Nighthawks là chiếc máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới, sinh ra sau những trải nghiệm trận mạc trong chiến tranh Việt Nam, khi những quả tên lửa phòng không tiên tiến đã bắn hạ rất nhiều máy bay chiến đấu hiện đại. Nó là vũ khí được liệt vào diện tuyệt mật trong phần lớn vòng đời.

Dự án F-117 bắt đầu từ năm 1975, với một mô hình thử nghiệm mang tên "Hopeless Diamond" (Kim cương tuyệt vọng) do có hình dáng phản xạ ra-đa đặc biệt khác thường. Năm 1977, Lockheed đã sản xuất 2 mô hình F-117 với kích cỡ 60% trong chương trình Have Blue để trình diễn công nghệ tàng hình tiên tiến. Thành công của chương trình Have Blue đã khiến Không lực Mỹ cho ra đời chương trình Senior Trend, dẫn tới việc phát triển mẫu F-117.

Xác chiếc F-117 bị bắn rơi trong chiến dịch không kích Serbia

Chiếc F-117 bay thử lần đầu vào năm 1981. Phiên bản F-117A đầu tiên được chuyển giao cho quân đội vào năm 1982 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1983. Không lực Mỹ đã bác bỏ sự tồn tại của chiếc máy bay cho tới tận năm 1988, khi những bức ảnh về chiếc máy bay xuất hiện trên báo chí. Tận tháng 4/1990, 2 chiếc F-117 mới xuất hiện trước mắt của hàng chục ngàn người có mặt tại Căn cứ không quân Nellis.

Tổng cộng có 59 chiếc F-117 được chuyển giao cho quân đội Mỹ, tính tới tháng 7/1990. Chiếc F-117 rơi ở Serbia cũng là chiếc duy nhất bị thiệt hại bởi phòng không đối phương. Sự việc diễn ra vào ngày 27/3/1999, khi NATO mở chiến dịch ném bom nhằm vào Serbia trong cuộc chiến Kosovo. Một quả tên lửa SA-3 của Serbia đã bắn trúng một chiếc Nighthawks. Viên phi công nhảy dù thành công và được cứu sống nhưng chiếc F-117 đã không thể thu hồi.

Khả năng lọt công nghệ mật vào tay Trung Quốc

Xác chiếc máy bay tàng hình bị rơi trải dài trên một khu vực rộng lớn. Nhiều người dân đã thu thập các mảnh vỡ của máy bay, một số thậm chí to bằng những chiếc xe hơi nhỏ, để làm đồ lưu niệm về cuộc chiến. Tuy nhiên có những người khác cũng muốn chạm tay vào những mảnh vỡ của F-117.

“Thời điểm cuộc chiến diễn ra, tình báo của chúng tôi đã nói về việc nhiều điệp viên Trung Quốc đang tích cực hoạt động trong khu vực nơi chiếc F-117 vỡ thành nhiền mảnh. Họ mua nhiều phần máy bay từ các nông dân địa phương” - Đô đốc Davor Domazet-Loso, Tham mưu trưởng quân đội Croatia trong chiến tranh Kosovo nói với hãng tin AP - “Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đã sử dụng các vật liệu này để có cái nhìn sâu hơn vào công nghệ tàng hình vẫn còn nằm trong vòng bí mật và để sao chép các công nghệ đó”.

Liệu mẫu J-20 Trung Quốc có được chế tạo dựa trên sự hiểu biết về công nghệ tàng hình của Mỹ

Một phần chiếc F-117 bị bắn hạ, như phần cánh trái với biểu tượng của Không lực Mỹ, vòm che buồng lái máy bay, ghế phóng thoát hiểm, mũ phi công và thiết bị liên lạc qua radio... hiện đang nằm trong Bảo tàng hàng không Belgrade. Nhưng ông Zoran Milicevic, Phó Giám đốc viện bảo tàng, lại không biết chuyện gì đã xảy ra với phần còn lại của chiếc máy bay. Còn theo một quan chức cao cấp đề nghị giấu tên của quân đội Serbia,  một phần chiếc máy bay đã “rơi vào tay quân đội nước ngoài”.

Chuyên gia quân sự Zoran Kusovac thì cho hay chính quyền cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic thường chia sẻ bí mật về các thiết bị quân sự mà họ thu giữ được của phương Tây với đồng minh Trung Quốc và Nga. “Chiếc F-117 bị phá hủy đã nằm đầu danh sách mà người Nga và người Trung Quốc mong muốn" - Kusovac nói. Ông đánh giá việc tiếp cận những công nghệ tối mật giúp F-117 tàng hình, đặc biệt là lớp sơn phủ hấp thụ sóng ra đa bí mật và các vật liệu phi kim loại được sử dụng, có thể đã làm tăng lên đáng kể kiến thức về máy bay tàng hình của Trung Quốc.

Một giả thuyết hợp lý

Trung Quốc và giới chức quốc phòng Mỹ hiện chưa có bình luận gì về tuyên bố của Domazet-Loso. Nhưng ý kiến của ông nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Alexander Huang, nhà nghiên cứu ở Đại học Tamkang, Đài Loan, nói rằng tuyên bố của Domazet-Loso “mang tính logic”. “Không còn cơ sở nào chắc chắn hơn, khi nói về nguồn gốc công nghệ tàng hình của J-20” - Huang, một chuyên gia về không quân Trung Quốc đánh giá - “Những thông tin do vị tham mưu trưởng quân đội Croatia đưa ra là không thể bị phủ nhận”.

"Những thông tin đã hé lộ cho thấy Serbia và Trung Quốc có thể đã trao đổi thông tin tình báo” - Alexander Neill, lãnh đạo chương trình an ninh châu Á tại viện RUSI, một cơ quan tư vấn có trụ sở ở London nhận xét - “Nhiều khả năng họ đã chia sẻ các công nghệ thu được từ chiếc F-117 bị bắn hạ và cũng rất hợp lý khi cho rằng nhiều yếu tố giúp tạo nên F-117 đã lọt vào tay người Trung Quốc”.

Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›