Ngày 24/7, giới chức Mỹ thông báo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden viện trợ quân sự bổ sung trị giá 400 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa cho các hệ thống phòng không tân tiến và một số máy bay do thám không người lái cỡ nhỏ.
Theo thông báo, gói viện trợ trên gồm các loại tên lửa cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống tên lửa đất đối không tân tiến (NASAMS), cũng như các loại tên lửa Stingers và Javelins. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ cung cấp đạn pháo và 32 chiếc xe tăng Stryker, cùng thiết bị nổ, súng cối, rocket Hydra-70 và 28 triệu viên đạn cho vũ khí loại nhỏ.
Tổng cộng Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 41 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022. Gói viện trợ mới sẽ được tài trợ thông qua luật về Quyền rút vốn của tổng thống (PDA), theo đó tổng thống có thể cho phép cung cấp các thiết bị từ kho dự trữ của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.
Liên quan vấn đề trên, Đức và Ba Lan đã đạt thỏa thuận sửa chữa xe tăng Leopard 2 cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức Mitko Müller thông báo thỏa thuận trên ngày 24/7, nêu rõ giờ đây xe tăng Leopard 2А4 của Ukraine có thể được sửa chữa ở Ba Lan. Hiện 2 chiếc xe tăng đầu tiên của Ukraine đã đến trung tâm bảo dưỡng Bumar-Labedy tại Ba Lan.
Trước đó, ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết trung tâm sửa chữa và bảo trì xe tăng Leopard 2 đã bắt đầu hoạt động tại thành phố Gliwice của Ba Lan.
Trước đó, tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius công bố kế hoạch thành lập trung tâm sửa chữa xe tăng Leopard ở Ba Lan, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 5. Chính phủ Đức sẽ chi trả các chi phí. Tuy nhiên, đầu tháng 7 này, Đức cho biết Berlin và Vácsava không thống nhất được về dự thảo thỏa thuận, liên quan mức giá dịch vụ sửa chữa. Ngày 12/7, Đức thông báo hủy bỏ kế hoạch sau khi đàm phán thất bại, đồng thời cho biết những chiếc xe tăng Leopard 2 bị hỏng trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được sửa chữa ở Đức.
Tags