(Thethaovanhoa.vn) - Các bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế - Đại học Maryland (Mỹ) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép trái tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới, mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng.
Trong ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ tại Baltimore vào ngày 7/1 vừa qua, bệnh nhân David Bennett (57 tuổi) đã được ghép trái tim của một con lợn biến đổi gene. Bác sĩ Bartley Griffith - Giám đốc chương trình cấy ghép tim tại trung tâm y tế này - người thực hiện ca phẫu thuật, cho biết: "Tim đập và có mạch, có áp lực như thể tim của chính ông ấy. Trái tim đang hoạt động bình thường. Chúng tôi rất vui mừng nhưng cũng chưa biết tình hình sau đó sẽ thế nào. Đây là điều chưa từng có tiền lệ".
Từ lâu, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và biến đổi gene lợn để phù hợp ghép tạng cho người, để không xảy ra tình trạng bị cơ thể đào thải sau khi ghép. Nghiên cứu được đẩy nhanh trong thập kỷ qua nhờ vào công nghệ nhân bản và chỉnh sửa gene mới. Ca ghép của bệnh nhân Bennett diễn ra chỉ vài tháng sau khi các bác sĩ ở New York (Mỹ) ghép thành công quả thận của một con lợn biến đổi gene vào cơ thể của một người chết não.
Các nhà khoa học kỳ vọng những quy trình thế này sẽ mở ra kỷ nguyên mới của y học trong tương lai, giải quyết tình trạng thiếu hụt tạng hiến cho hơn nửa triệu người Mỹ. Hiện bác sĩ chưa thể chắc chắn về tình trạng sức khỏe của ông Bennett trong tương lai, tuy nhiên, trái tim mới đang hoạt động hiệu quả và thực hiện đầy đủ chức năng cần thiết. Ông Bennett đang được theo dõi chặt chẽ xem có dấu hiệu thải ghép hay không.
Trong 48 giờ đầu tiên sau phẫu thuật - khoảng thời gian được đánh giá là quan trọng nhất - cơ thể ông Bennett đáp ứng tốt với trái tim mới, không xảy ra sự cố. Ông cũng được theo dõi các triệu chứng nhiễm virus retrovirus - một loại virus có thể truyền sang người từ lợn, tuy nguy cơ này khá thấp.
Trên thực tế, phẫu thuật ghép tạng từ động vật sang người - có tên khoa học là "xenotransplantation - là phương pháp đã có từ lâu. Hàng trăm năm trước, nhiều bác sĩ đã thử nghiệm bơm máu và ghép da của động vật cho các bệnh nhân. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một số bệnh nhân đã được ghép thận của tinh tinh, song người sống lâu nhất chỉ được 9 tháng. Năm 1984, một bé sơ sinh - được đặt tên là "Baby Fae" - đã được ghép tim từ khỉ đầu chó. Tuy nhiên, cô bé không qua khỏi sau 20 ngày.
Trái tim được ghép cho ông Bennett là của một con lợn đã được chỉnh sửa gene tới 10 lần. Quá trình chỉnh sửa gene được kiểm soát rất nghiêm ngặt và do Revivicor - một công ty con của tập đoàn công nghệ sinh học United Therapeutics - thực hiện. Các nhà khoa học đã loại bỏ 3 gene có thể gây phản ứng đào thải tạng ghép ở người, đồng thời bất hoạt một gene tăng trưởng nhằm ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi cấy ghép.
Các chuyên gia cũng đưa 6 gene người vào bộ gene của lợn (hiến tặng) và chỉnh sửa để chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với hệ miễn dịch của con người. Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng một loại thuốc mới do Kiniksa Pharmaceuticals sản xuất và các loại thuốc chống thải tạng ghép thông thường để ức chế hệ miễn dịch và ngăn chặn sự đào thải.
Tiến sĩ David Klassen - Giám đốc Y tế của Mạng lưới Giám sát Hệ thống cấy ghép tạng quốc gia Mỹ (UNOS) - cho biết ca phẫu thuật ở Maryland là bước đầu tiên để đánh giá xem liệu phương pháp cấy ghép này có hiệu quả hay không.
Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng dành cho phẫu thuật cấy ghép, điều này khiến các nhà khoa học phải cố gắng tìm cách thay thế bằng nội tạng động vật. Năm 2021, Mỹ thực hiện hơn 3.800 ca phẫu thuật cấy ghép tim. Hiện vẫn còn khoảng 110.000 người Mỹ đang chờ để được cấy ghép nội tạng, trong khi có khoảng 6.000 bệnh nhân tử vong trước khi được cấy ghép.
Thanh Phương/TTXVN
Tags