Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 11/10 đã ra tuyên bố gồm 13 điểm về vấn đề Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tham dự và phát biểu với hội nghị.
Tuyên bố cho biết G7 sẽ tiếp tục áp đặt các chế tài về kinh tế chống Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, đồng thời cam kết kiên định hỗ trợ Ukraine duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý với Ukraine. G7 cũng ủng hộ các nỗ lực của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Ukraine.
Liên quan đến các sự cố với hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, tuyên bố của G7 bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về những thiệt hại đối với hệ thống này và hoan nghênh các cuộc điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân sự việc.
Đầu tháng 9 vừa qua, G7 đã cùng nhất trí với kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, trong đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12/2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023. Vệc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moskva dùng cho cuộc xung đột với Ukraine.
- G7 công bố dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trên toàn thế giới
- Các nước G7 tán thành cấm nhập khẩu vàng của Nga
- Hội nghị thượng đỉnh G7: Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức thảo luận về vấn đề Ukraine
Điện Kremlin khi đó lập tức tuyên bố Nga sẽ không bán bất kỳ loại dầu nào cho các quốc gia tuân thủ giá trần này. Tập đoàn Gazprom của Nga cũng quyết định ngừng vô thời hạn việc cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, gây ra tình trạng thiếu hụt khí đốt và buộc các quốc gia EU phải áp dụng phân bổ khí đốt theo hạn mức trong mùa Đông tới.
Mạnh Hùng/TTXVN
Tags