Mỹ vẫn là Quốc gia tổn thất nặng nhất do Covid-19 với 718.986 người chết

Thứ Bảy, 02/10/2021 21:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 2/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 235.195.008 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.808.249 ca tử vong.

Bộ Công an tích hợp thẻ xanh Covid-19 trên căn cước công dân

Bộ Công an tích hợp thẻ xanh Covid-19 trên căn cước công dân

Công dân đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch sẽ được tích hợp thẻ xanh, tiêm một mũi được tích hợp thẻ vàng trên căn cước gắn chip.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 211.967.952 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 718.986 ca tử vong trong tổng số 44.444.146 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 448.605 ca tử vong trong số 33.791.061 ca.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 605 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 323 người và CH Bắc Macedonia với 320 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 44,9 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu với hơn 67,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76 triệu ca bệnh. Bắc Mỹ có hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 53,4 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 212.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 2.900 người.

Mỹ vẫn là Quốc gia tổn thất nặng nhất do Covid-19 với 718.986 người chết, số người chết do Covid-19, Covid-19 hôm nay, Covid-19 mới nhất, Covid-19 thế giới
Ảnh: Reuters

Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 606 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong do căn bệnh này. Trong số các ca mắc mới, có tới 601 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ Y tế Lào lo ngại nguy cơ dịch lan rộng khi thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng tăng vọt trong một ngày với 400 trường hợp. Điều này khiến số bản tại thủ đô được quy định là "vùng đỏ" tăng cao với 120 bản, thuộc 7 quận. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 24.916 ca, trong đó có 21 người tử vong. 

Số ca tử vong do COVID-19 theo ngày tại Thái Lan đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 100 kể từ ngày 26/7 vừa qua, trong khi số ca mắc với tại thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận cũng đang giảm. Bộ Y tế Thái Lan sáng 2/10 cho biết nước này ghi nhận 87 trường hợp tử vong vì COVID-19 và 11.375 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, kể từ đầu mùa dịch, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.626.604  ca mắc COVID-19, trong đó có 16.937 người không qua khỏi. Hầu hết các ca mắc mới và tử vong tại Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ 3 kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Số ca mắc mới cao nhất theo ngày từng được ghi nhận là 23.418 vào 13/8, trong khi số ca tử vong theo ngày cao nhất được ghi nhận vào ngày 18/8 với 312 ca. Thái Lan dự kiến bắt đầu tiêm ngừa COVID-19 cho học sinh vào đầu tuần tới. Hiện đã có ít nhất 3,68 triệu học sinh nộp đề nghị được tiêm vaccine của hãng Pfizer. Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch cung cấp loại vaccine này cho 70% học sinh các trường trung học và dạy nghề vào cuối tháng này trước khi các em trở lại lớp học vào tháng 11.

Thái Lan cũng cho phép bất kỳ du khách nước ngoài nào đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đều có thể tới đảo Phuket của nước này, thay vì chỉ những du khách đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ những quốc gia có nguy cơ thấp và trung bình. Bên cạnh đó, trẻ em chưa tiêm vaccine vẫn có thể đi theo bố mẹ đã tiêm chủng tới Phuket.

Trong khi đó, Campuchia đang xem xét giảm thời gian cách ly đối với nhà đầu tư đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia, sau 7 ngày luôn ở mức 800 ca/ngày, đã giảm mạnh trong hai ngày 1 và 2/10 theo cách tính mới kèm kết quả xét nghiệm PCR. Bộ Y tế Campuchia ngày 2/10 xác nhận nước này có 174 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 21 ca nhập cảnh.

Cùng ngày 2/10, Singapore thông báo sẽ rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ các vùng rủi ro cao bắt đầu từ ngày 7/10 tới và mở cửa cho những người có thẻ thường trú dài hạn, như lao động và sinh viên, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 vào đầu tháng 11.

Từ tháng 10 này, Chính phủ Nhật Bản sẽ thí điểm sử dụng chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 như là điều kiện để tới nhà hàng và một số địa điểm công cộng khác. Những người tới nhà hàng, sân vận động, sự kiện âm nhạc quy mô nhỏ và nhà hát buộc phải trình chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước đó, đồng thời phải khai báo y tế. Trước mắt, việc kiểm tra chứng nhận tiêm phòng và chứng nhận xét nghiệm sẽ thí điểm tại 13 tỉnh. Những biện pháp mới trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào ngày 30/9, đúng theo thời hạn dự kiến ban đầu khi mà số ca mắc mới tại quốc gia này giảm mạnh trong nhiều tuần qua. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 4/4, toàn bộ 47 địa phương của Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt và từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

Tại châu Âu, một số bang của Đức như Nordrhein-Westfalen (bang đông dân nhất), Bayern hay Saarland... đã thông báo dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19, theo đó các sự kiện tổ chức tại sân vận động và các câu lạc bộ được phép hoạt động trở mà không cần đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo số ca mắc mới có thể tăng cao trở lại khi có ngày càng nhiều người tham gia vào các hoạt động trong nhà trong những tháng mùa Đông tới. Ngoài ra, việc xét nghiệm kháng nguyên nhanh cũng sẽ được chấp nhận tại Nordrhein-Westfalen thay vì phải xét nghiệm PCR rất tốn kém và mất thời gian. Trước đây, xét nghiệm PCR thường có giá khoảng 70-90 euro (81-104 USD) và có thể mất một hoặc hai ngày để xử lý, trong khi xét nghiệm nhanh cho kết quả trong vòng vài phút và chi phí thấp hơn đáng kể. Bang Bayen cũng dỡ bỏ lệnh cấm tổ chức các lễ hội tại nơi công cộng, mở đường cho các chợ Giáng sinh họp trở lại trong năm nay. 

Tại quốc đảo Caribe Cuba, hàng nghìn người dân ở thủ đô La Habana đã đổ tới các bãi biển ngày 1/10 sau khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch ở 7 tỉnh và đảo Thanh niên. Việc mở cửa trở lại các bãi biển tại La Habana được thực hiện sau khi chính quyền địa phương cho phép nối lại dịch vụ ăn uống trong nhà cho hơn 500 quán cà phê, nhà hàng và quán bar khi mà số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục giảm xuống. Ngoài ra, các cơ sở thể thao, bể bơi cũng được mở cửa trở lại ở mức 50% công suất và người dân được phép tụ tập lối đi dạo ven biển nổi tiếng nhất của Cuba. Trong 8 tuần qua, số ca nhiễm mới theo ngày tại La Habana đã giảm từ mức 1.900 ca xuống dưới 400 ca.

Trong một diễn biến khác, bang California (Mỹ) đã ra quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn bộ sinh viên ở các hệ thống trường đại học công và tư trong bang này. Đây là bang đầu tiên ở Mỹ đưa ra quy định này trong bối cảnh tình trạng do dự tiêm vaccine đang làm chậm lại các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Quy định mới sẽ ảnh hưởng tới 6 triệu sinh viên ở bang đông dân nhất nước Mỹ này, nơi 84% người đủ tuổi tiêm đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Liên quan vấn đề vaccine, hãng Pfizer cho biết sẽ bắt đầu nộp dữ liệu đề nghị Cơ quan thực phẩm và dược phẩm liên bang Mỹ (FDA) phê chuẩn vaccine của mình cho trẻ em từ 5-11 tuổi, trong bối cảnh số trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 trong làn sóng mới nhất tăng mạnh. Việc tiêm phòng cho trẻ em được xem là chìa khóa để đảm bảo trường học được mở cửa, đồng thời ngăn ngừa dịch lan rộng. Pfizer cũng đang thử nghiệm vaccine cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›