- Các phi hành gia sẽ mặc gì khi hạ cánh xuống Mặt Trăng vào năm 2025?
- Quên súng in 3D đi, người ta đang thử in... vũ khí chống tăng!
- Vào tận nhà máy lắp Hyundai Accent 2023: Dùng máy quét 3D, sơn cao cấp uy tín thế này thì còn ai chê được xe Hàn
- GPU tích hợp cho laptop mới của AMD mạnh ngang mẫu card đồ họa rời phổ biến bậc nhất Steam, ngốn điện lại ít hơn đáng kể
Khi Microsoft đang muốn đẩy mạnh tốc độ ra măt sản phẩm AI, sự hiện diện của nhóm đạo đức và xã hội trong nội bộ công ty có thể làm họ đi chậm lại.
Gần đây Microsoft đã tiến hành sa thải 10.000 nhân viên của mình. Nhưng theo một báo cáo từ trang Platformer, đáng chú ý trong số đó còn có gần như toàn bộ nhân sự của nhóm đạo đức và xã hội thuộc bộ phận nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của công ty.
Theo một cựu nhân viên, động thái này khiến cho Microsoft không còn nhóm chuyên trách nào để đảm bảo các nguyên tắc đạo đức cơ bản của AI gắn liền với thiết kế sản phẩm. Mặc dù vậy, Microsoft vẫn duy trì một Văn phòng về AI có Trách nhiệm (Office of Responsible AI) với nhiệm vụ tạo ra các quy tắc và nguyên tắc để quản lý những sáng kiến AI của công ty.
Điều đáng nói hơn, việc cắt bỏ bộ phận này diễn ra gần như cùng lúc với việc công ty đang đi đầu trong việc ra mắt các công cụ AI tới công chúng. Mặc dù vậy, Microsoft khẳng định rằng bất chấp động thái cắt giảm trong thời gian gần đây, mức đầu tư tổng thể của công ty cho việc nghiên cứu một cách có trách nhiệm đang ngày càng tăng chứ không hề giảm đi.
Bộ phận có trách nhiệm xác định rủi ro tiềm tàng từ công nghệ của OpenAI
Vào lúc có quy mô lớn nhất năm 2020, bộ phận này có gần 30 nhân viên, bao gồm kỹ sư, nhà thiết kế và các triết gia. Đến tháng 10 năm 2022, nhóm này bị cắt giảm xuống còn 7 người trong một đợt tái cấu trúc, trước khi bị loại bỏ hoàn toàn trong đợt sa thải vừa qua.
Trong những năm gần đây, nhóm đã thiết kế nên một trò chơi nhập vai có tên Judgment Call để giúp các nhà thiết kế hình dung được các tác hại tiềm tàng mà AI có thể gây ra trong quá trình phát triển sản phẩm.
Gần đây, nhiệm vụ của nhóm này nhằm xác định các rủi ro tiềm tàng khi Microsoft áp dụng công nghệ AI của OpenAI trên các sản phẩm chủ chốt của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể nói "Không" hoặc "Từ từ đã" trong nội bộ công ty đối với việc ra mắt các sản phẩm AI mới – hoặc gây ra các nguy cơ về việc dẫn đến các rắc rối pháp lý đối với công ty.
Trong khi đó, trong một cuộc họp với nhóm này về kế hoạch tái cấu trúc, bao gồm việc cắt giảm bớt nhân sự của nhóm, phó chủ tịch về AI, John Montgomery cho biết, các lãnh đạo công ty muốn họ rời đi thật nhanh: "Áp lực từ CTO Kevin Scott và CEO Satya Nadella đang rất rất cao khi muốn đưa các mô hình mới nhất của OpenAI và những mô hình sau đó tới tay khách hàng với tốc độ cao nhất." Ông Montgomery cho biết, do áp lực đó, phần lớn nhân sự của nhóm này sẽ được chuyển tới các bộ phận khác trong Microsoft.
Một cựu nhân viên cho biết, với số lượng nhân sự ít ỏi còn lại, nhóm đạo đức và trách nhiệm xã hội rất khó có thể triển khai kế hoạch tham vọng của họ. Một nhân viên khác cho biết, động thái này sẽ để lại một khoảng trống cơ bản đối với thiết kế các sản phẩm AI.
Nói chuyện với Platformer, nhiều nhân viên của bộ phận mới bị giải thể cho biết, thông thường nhóm của họ luôn cố gắng hỗ trợ việc phát triển sản phẩm, nhưng dường như họ không thể theo kịp được tốc độ ra mắt các công cụ AI mà Microsoft muốn. Công ty không chỉ muốn chúng được ra mắt sớm mà còn nhanh hơn đối thủ - điều đó khiến họ cho rằng đội ngũ lãnh đạo Microsoft đang bỏ qua tư duy dài hạn mà nhóm này hướng đến.
Năm 2020, Google cũng từng sa thải nhà nghiên cứu đạo đức AI, Timnit Gebru sau khi cô công bố một báo cáo chỉ trích về những mô hình ngôn ngữ lớn – công nghệ nền tảng cho các mô hình AI hiện nay. Quyết định này gây ra sự phẫn nộ và dẫn đến việc ra đi của một số lãnh đạo trong bộ phận này cũng như làm giảm uy tín của công ty đối với vấn đề đạo đức AI.
Microsoft đi trước đối thủ trong các sản phẩm AI
Trong khi đó, các thành công OpenAI và ChatGPT đang mang lại phần nào giải thích được sự vội vã của Microsoft hiện nay.
Kể từ khi đầu tư cho mảng công cụ tìm kiếm cho đến nay, Microsoft lần đầu có được cơ hội ngàn năm có một để giành được thị phần từ tay Google, bên cạnh đó là các phần mềm cho công việc, điện toán đám mây và nhiều lĩnh vực mà công ty đang cạnh tranh với những người khổng lồ khác. Khi ra mắt công cụ Bing mới, công ty nói với các nhà đầu tư rằng, mỗi 1% thị phần mà họ giành được từ Google trong lĩnh vực tìm kiếm, doanh thu mỗi năm của công ty sẽ tăng thêm 2 tỷ USD.
Điều đó giải thích tại sao mới đây, Microsoft đã đầu tư thêm 10 tỷ USD nữa cho OpenAI và hiện đang chạy đua để tích hợp công nghệ này vào mọi ngóc ngách trong đế chế của mình. Nỗ lực này đang cho thấy các kết quả bước đầu, tuần trước Microsoft cho biết Bing hiện có 100 triệu người dùng mỗi ngày, 1/3 trong số đó là người dùng mới kể từ khi công cụ tìm kiếm này ra mắt phiên bản mới được tích hợp công nghệ AI của OpenAI.
Mặt khác, những người liên quan đến việc phát triển AI đều thừa nhận rằng công nghệ này ẩn chứa nhiều rủi ro hiện hữu. Những người khổng lồ công nghệ đều phát tín hiệu cho biết họ rất chú trọng đến các rủi ro này – cho dù Microsoft đã sa thải bộ phận đạo đức và xã hội nói trên, công ty vẫn còn 3 bộ phận khác nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng nếu nhìn vào tốc độ ra mắt các sản phẩm AI trong thời gian gần đây của Microsoft, rõ ràng vấn đề này đang được công ty tạm gác sang một bên.
Tham khảo The Verge