Bởi thực tế, từ dăm năm trở lại đây, các danh hiệu của UNESCO đã đến với chúng ta một cách khá đều đặn. Và, sự đa dạng của các danh hiệu này cũng ít nhiều khiến dư luận... lúng túng khi phân loại.
Phong Nha - Kẻ Bàng tìm cơ hội vinh danh lần 2
Rộng hơn 275.000 ha, Lang Biang chính thức trở thành Khu dự trữ Sinh quyển thế giới từ ngày 9/6. Đây là danh hiệu thứ 9 mà chúng ta nhận về từ UNESCO, sau danh hiệu đầu tiên của khu Cần Giờ (TP.HCM) vào năm 2000, và tiếp đó là các khu di sản tại Đồng Nai, Kiên Giang, Cát Bà (Hải Phòng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)...
Tuy nhiên, nếu xét theo danh xưng "Di sản thế giới" thì hồ sơ VN gần nhất có khả năng được vinh danh sẽ thuộc về khu Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình). Cụ thể, từ 28/6 - 8/7 tới đây, cuộc họp lần thứ 39 của Hội đồng UNESCO tại Đức sẽ tiến hành xem xét các hồ sơ Di sản Văn hóa thế giới - trong đó Phong Nha - Kẻ Bàng xin được công nhận lần thứ 2 theo tiêu chí bổ sung về đa dạng sinh học.
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cơ hội thành công của Phong Nha- Kẻ Bàng trong năm 2015 khá cao. Và trong trường hợp ấy, DSTG này ít nhiều sẽ có thêm "sức nặng" trước sự đánh giá của các chuyên gia quốc tế, cũng như trên bản đồ du lịch thế giới. Thực tế, sau khi được UNESCO công nhận, khá nhiều quốc gia sở hữu DSTG cũng tiến hành xin tái vinh danh theo cách này. (Tại VN, vịnh Hạ Long từng được UNESCO công nhận 2 lần trong các năm 1994, 2000 và nhiều khả năng sẽ xin tiếp lần thứ 3 trong thời gian tới).
Tuy nhiên, vì chưa lựa chọn được thêm các di sản vật thể để xây dựng hồ sơ trong 2 năm qua, VN sẽ không có thêm danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới nào trong năm 2016 tới. Bởi, theo nguyên tắc, hồ sơ cho loại danh hiệu này phải đệ trình lên UNESCO từ 2 năm trước khi được quyết định. (Hiện tại, hồ sơ cho di tích Yên Tử đang được 2 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh phối hợp xây dựng và hi vọng "bắt kịp" đợt xét tặng của UNESCO vào năm 2017).
Kéo co - di sản “liên quốc gia”
Ở góc độ danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể, danh hiệu mà VN hi vọng sở hữu trong năm 2015 đến từ trường hợp của di sản Kéo co. Theo đó, vào 13/12, tại Namibia, Ủy ban Di sản Văn hóa Phi vật thể của UNESCO sẽ có kì họp thứ 10 và đưa ra quyết định chính thức về hồ sơ này.
Cần nói thêm, Kéo co là hồ sơ "liên quốc gia", được VN phối hợp cùng Hàn Quốc, Philippines và Singapore cùng tham gia xây dựng. Trước đó, cũng có khá nhiều ý kiến thắc mắc về giá trị văn hóa của loại di sản này . Tuy nhiên, là người tham gia xây dựng hồ sơ, cũng như đã nghiên cứu tục kéo co tại nhiều quốc gia, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng trường hợp này khả khả quan bởi mang đậm tính cộng đồng, cũng như bản sắc văn hóa chung của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
"Tại nhiều địa phương, kéo co theo thời gian đã bị thể thao hóa và chỉ còn là một trò chơi dân gian truyền thống. Nhưng tại một số địa phương, diễn xướng này vẫn còn nguyên màu sắc của một nghi thức tâm linh đặc biệt và được thực hành với sự thành kính, trang nghiêm" - GS Thịnh nói.
Có nghĩa, trong trường hợp thành công, VN vào cuối năm 2015 tới sẽ sở hữu 8 danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới (có 2 di sản được công nhận 2 lần) và 10 danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể. Con số ấy ít nhiều mang lại những thông tin tích cực về bề dày văn hóa và tiềm năng du lịch của chúng ta, nhưng đồng thời cũng sẽ lại tiếp tục đặt ra những bài toán phức tạp về việc bảo tồn và khai thác di sản – vấn đề đang trở thành "điểm nóng" trong vài năm gần đây.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Tags