(Thethaovanhoa.vn) - Trong vở kịch của sân khấu Thế Giới Trẻ, vở Ngược gió (tác giả và đạo diễn Tiết Duy Hòa), có một nhân vật nữ rất độc đáo là cô Nương, đã làm nên một cuộc tình thật buồn nhưng cũng thật đẹp. Diễn viên đóng vai Nương chính là Nam Thư, một gương mặt mới nổi lên từ các chương trình game show kịch cùng bolero.
Thực sự Nam Thư sở trường đóng những vai tính cách mạnh, quậy phá, nổi loạn, hoặc hài hước, vui nhộn. Nhưng trong Ngược gió, đạo diễn Tiết Duy Hòa đã giao cho cô một nhân vật có tâm lý phức tạp và tinh tế, đòi hỏi diễn xuất chiều sâu hơn những vai mà cô từng trải.
Nương là bạn của anh chàng nghèo bán chiếu tên Trôi từ thuở ấu thơ, vì mẹ Nương lượm được cậu bé trên dòng sông rồi mang về nuôi, đặt luôn cho cái tên Trôi. Đôi bạn cùng một người mẹ, cùng lớn lên bên nhau, cùng nô đùa, hạnh phúc.
Hai đứa kêu nhau bằng mầy tao thoải mái, và “thằng bạn” Trôi xem “con bạn” Nương như một thằng con trai đúng nghĩa. Bởi Nương y hệt con trai, không biết chưng diện, suốt ngày chạy chiếc cup cổ lỗ sĩ đi bán hàng rong khắp thôn làng, áo xống thì xuề xòa, tướng tá ngang ngang, sẵn sàng đánh nhau với bọn “cà chớn”, nhất là đánh để bảo vệ thằng Trôi hiền lành, dịu dàng. Một “con bạn” như thế trong mắt Trôi không phải là “con gái”. Cho nên Trôi đã đem lòng yêu cô gái khác, cô tên Là, người giúp việc của vợ chồng ông chủ lò gạch.
Nhưng khổ nỗi, bên trong ngoại hình xù xì, gai góc ấy, Nương vẫn là một cô gái thực sự, và cô đã yêu Trôi. Tình yêu không thổ lộ được, vì không biết làm vẻ yểu điệu, cũng không biết nói năng tình tứ, đặc biệt lại càng không thổ lộ được khi phát hiện thằng bạn của mình đã yêu người khác. Mối tình câm ấy chỉ thể hiện qua những cái bánh lá dừa, cái dao cạo râu, hay từng viên thuốc mà Nương đem về chăm sóc cho Trôi.
Nhưng dù chăm sóc cách nào thì Trôi cũng tưởng đó là tình bạn mà thôi. Lại tiếp tục mầy tao, lại tiếp tục hồn nhiên ăn bánh, uống thuốc, và hồn nhiên bước qua đôi mắt buồn thăm thẳm của Nương. Đôi mắt cố giấu sau vẻ gai góc, cố cúi xuống không cho ai nhìn thấy, nhưng nó vẫn gợn lên những đợt sóng y như dòng sông cạnh nhà, gió vẫn thổi, và vẫn lăn tăn không yên ả…
Rồi khi Là bỏ đi, Trôi chèo ghe khắp các thôn làng tìm vợ, còn Nương thì chạy xe theo Trôi, song song người trên bờ, người dưới sông, không chịu rời Trôi. Đi tới làng nào Trôi cũng dừng ghe lại, cắm sào hát bài Lý son sắt mà hồi xưa Là thích nhất, với hy vọng Là sẽ nghe thấy và tìm lại nhau. Một hôm, Trôi bị bệnh, không hát nổi, nhờ Nương hát giùm, bởi Trôi sợ nếu không có tiếng hát thì Là sẽ đi huốt qua.
Nương hát không quen, nhưng thằng bạn khẩn khoản quá, nên cố hát. Khổ thay, lời bài hát là bày tỏ nhớ thương của Trôi, mà từng chữ, từng câu như đâm vào tim Nương chảy máu. Nương hát, từ vụng về ráp nối từng câu, cho tới lúc thành giai điệu mượt mà hơn nhưng lại nghẹn ngào, run rẩy, đứt ruột đứt gan.
Nương hát giùm lời yêu cho người ta, tỏ tình giùm người ta, ôi sao nghiệt ngã vậy! Gương mặt không còn gai góc nữa mà hiện nguyên hình là một cô gái yếu đuối thường tình, một nữ tính dịu dàng, và nước mắt rơi từng giọt, từng giọt… Nương quay lưng lại nên Trôi không thấy gương mặt ấy, nước mắt ấy. Một mình Nương đối diện lòng mình.
Và khi bà Huệ - mẹ Nương - tìm được con, bà vừa mừng cũng vừa đau xót, nhất quyết bắt Nương về nhà lấy chồng. Không cãi được mẹ, Nương đồng ý. Trôi xô ghe ra giữa dòng, tiếp tục chèo đi tìm Là, nhưng lần này Nương phải đứng lại bên bờ, không chạy theo được nữa.
Nương khóc thật sự, nhưng cô cắn chặt vào cánh tay mình để tiếng khóc không bật ra, chỉ có một khoảng lặng như sóng ngầm dữ dội dồn nén vào trái tim. Khoảng lặng này đòi hỏi diễn viên phải đủ sức hút và khán giả cũng phải đủ tình tri âm thì mới nắm được, bằng không sẽ bị trôi đi.
Trên sân khấu, thường thì những hoạt náo hoặc đau đớn gào thét dễ thu hút sự chú ý của người xem, nhưng những khoảng lặng lại nguy hiểm nhất, nếu diễn non tay thì nó bị “trôi”. Nhân vật gai góc của Nương không thể nào khóc lóc ồn ào được, bắt buộc phải dùng khoảng lặng cho sự đau đớn chia ly xé lòng, vì vậy đạo diễn đã đặt vào tay Nam Thư một thử thách không nhỏ.
Nam Thư đã diễn rất đạt lớp diễn này. Từ lúc bắt đầu cất giọng hát cho tới lúc cắn răng mà khóc là một thời gian dài để Thư đi từ vẻ gai góc cho tới nét yếu đuối, xót xa, oan nghiệt. Tiếng hát không được phép quá mượt mà, chỉ vừa đủ mượt cho điệu lý dễ nghe, mà phải vừa đủ nấc nghẹn, đứt ruột đứt gan. Khó lắm. Chông chênh giữa tính cách mạnh mẽ và yếu đuối thường tình, Nam Thư đã thành công một cách ngoạn mục.
Hoàng Kim
Tags