(Thethaovanhoa.vn) - Tại phiên họp Quốc hội mới đây, người đứng đầu Bộ Y tế nói một câu ấn tượng: “Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn”. Điều này cho thấy nhà vệ sinh bệnh viện nói chung vẫn đang là vấn đề nóng và khá nan giải.
Có vô số lý do để nhà vệ sinh bệnh viện mất vệ sinh. Đầu tiên là từ thiết kế, theo một khảo sát của Nhật vào năm 2016, hầu hết bệnh viện cũ tại Việt Nam có thiết kế, thậm chí quan niệm về nhà vệ sinh chưa phù hợp, thiếu khoa học và thiếu chất lượng về vật liệu xây dựng.
Dân số và bệnh nhân gia tăng chóng mặt, trong khi bệnh viện thì “vũ như cẩn”, vừa thiếu vừa cũ vừa xuống cấp, cơ sở xây mới thì còn quá ít. Nhìn tình trạng quá tải của bệnh nhân đến khám và chữa trị ở các bệnh viện tuyến trên, rồi người nhà đi thăm nuôi, ngồi nằm chật ních ở các hành lang, nhà vệ sinh không quá tải mới lạ.
Nhiều người than phiền, hoặc so sánh rằng tại sao nhà hát, rạp chiếu phim, sân bay cũng đông người, nhà vệ sinh lại tốt hơn, mà bệnh viện thì quá kém. Thật ra việc bố trí số người và tầng suất làm vệ sinh ở những nơi này rất khác nhau. Bệnh viện có nội quy riêng, đa số nhà vệ sinh lại theo từng phòng, diện tích nhỏ, trang thiết bị cũ, nên người làm vệ sinh gặp khó khăn không ít. Chưa nói cảm giác yên tâm về vệ sinh và lây nhiễm cũng khác nhau, khiến người làm vệ sinh tại bệnh viện khó tập trung, khó “xả thân” như những nơi khác.
nói đội vệ sinh bệnh viện ở các nước phát triển thường do các tổ chức, các công ty chuyên dụng và chuyên nghiệp làm; một số bệnh viện tư nhân tại Việt Nam hiện cũng đã thuê nước ngoài làm vệ sinh. Trong khi hầu hết bệnh viện công thì vẫn dùng đội ngũ vệ sinh thông dụng, nên việc xử lý vệ sinh đặc thù trong ngành bệnh viện, rác y tế cũng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Nhìn ở khía cạnh bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, vẫn còn nhiều người thiếu ý thức chung trong việc sử dụng nhà vệ sinh. Điều này có thể do hoàn cảnh bệnh tật, tai nạn mà họ không thể chỉn chu, sạch sẽ như lúc khỏe mạnh, tỉnh táo. Nhưng một phần cũng đến từ tâm lý ngại chung đụng, va chạm, sợ lây bệnh này kia, nên khi vào nhà vệ sinh là bất đắc dĩ lắm mới vào, đi cho xong. Nhiều người còn ngại đụng tay vào vòi nước, sợ đụng người vào xí bệt, ngại dội nước, nên càng gây mất vệ sinh hơn.
Tại cuộc họp đã nêu ở đầu bài, bà Bộ trưởng còn cho biết ngành đang nỗ lực xây mới nhiều bệnh viện, đặt ra nhiều thước đo, tiêu chí mới để đánh giá chất lượng bệnh viện theo chuẩn quốc tế. Một trong những việc cần làm là tăng các tuyến bệnh viện ở quận huyện để giúp giảm tải cho bệnh viện ở tỉnh, ở các thành phố lớn, bệnh viện trung ương.
Nếu làm được điều này thì chất lượng vệ sinh và an toàn nói chung ở các bệnh viện sẽ thay đổi rất lớn. Bởi thực tế cho thấy có nhiều bệnh, nhiều tai nạn đâu nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên, nếu tuyến dưới đủ nhân lực và vật lực để điều trị. Nhiều gia đình rời quê lên thành phố để chăm lo cho thân nhân, đi ba bốn người, đêm phải ở lại, tắm rửa này kia, nên nhà vệ sinh càng quá tải. Nếu họ được chữa trị gần nhà, thì chỉ cần một người luân phiên chăm sóc, sẽ giảm tải đáng kể.
Vô Ưu
Tags