(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm nơi đâu như Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc với 2.953 tuyến, tổng chiều dài 4.368 km, trong đó 110 tuyến có chức năng giao thông thủy với chiều dài 953 km. Lợi thế sông nước này luôn hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở tìm kiếm “view sông”, lấy sông làm chỗ dựa cho hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và kinh doanh hàng quán.
Giới nhà giàu cũng “đua nhau” xây nhà đón hướng sông. Chính vì vậy, nhiều đoạn bờ sông lớn, trong đó có sông Sài Gòn đang phải oằn mình gồng các dự án nhà ở cao tầng, các biệt thự, bãi tập kết khai thác vật liệu hoặc đang bị khai thác quá mức bởi nhiều hoạt động kinh doanh khác.
Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết với chủ đề "Nan giải vấn nạn lấn chiếm bờ sông ở Thành phố Hồ Chí Minh" phản ánh vấn đề nhức nhối nêu trên.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, sông Sài Gòn chảy qua địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 1, Quận 4 và Quận 7. Dọc theo tuyến sông này, không chỉ nhiều nhà ở riêng lẻ của người dân mà còn có nhiều biệt thự, nhà hàng, quán nhậu, bến bãi tập kết vật liệu ngổn ngang, gây sạt lở bờ sông, mất mỹ quan đô thị cũng như ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên.
Từ biệt thự lấn sông…
Từ khu vực cầu Bình Phước, chúng tôi men theo đường đê sông phía phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Ở tận sâu cuối đường đê sông, án ngữ, chặn lại con đường này là những căn biệt thự mái ngói rực rỡ ngang nhiên tồn tại trên hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Cạnh đó, một khu đất sát bờ sông nằm trong khu biệt thự Vườn Lài cũng đã được san ủi, nâng nền, rải thảm nhựa và tiến hành phân lô.
Cũng tại Quận 12, Khu dân cư Nam Long, phường Thạnh Lộc và Khu nhà ở biệt thự Thạnh Xuân, đường Hà Huy Giáp cũng ngổn ngang không kém. Tại đây vừa đan xen những biệt thự với nhà xưởng, quán nhậu, nhà cấp 4, bãi tập kết xe tải. Nhà tôn tạm bợ được dựng lên làm xưởng tập kết vật liệu đá trong khuôn viên công viên cây xanh. Điều đáng nói hơn là sát rạch Cả Bốn, quán nhậu Huy Dê cơi nới, đua ra mặt kênh. Một biệt thự gần đó đang hoàn thiện cũng nằm trong hành lang rạch Cả Bốn mà không vấp phải sự phản đối, xử lý nào của cơ quan chức năng.
Dọc sông Sài Gòn, phía bờ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức là hàng chục căn nhà dựng tôn, nhà xưởng đua ra mặt sông và bãi tập kết vật liệu nằm sát bờ sông, ngày đêm nhộn nhịp múc cát đổ lên xe tải. Cách đó khoảng 20m là biển cảnh báo hành lang bờ sông được Sở Giao thông vận tải thành phố cắm chặt. Và cũng chỉ cách đó khoảng 300m là một ngôi nhà mẫu vừa mang dáng dấp biệt thự vừa mang dáng dấp nhà điều hành du thuyền đua hẳn ra mặt sông Sài Gòn, cách bờ sông tới 5-7m.
Xuôi về phía hạ lưu sông Sài Gòn, tại Quận 2, đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền chạy dọc sông Sài Gòn. Từ nhiều năm nay, người dân sống bên kia đường Nguyễn Văn Hưởng không còn cảm nhận hơi mát của con sông hiền hòa cũng như không còn được tự do ra sông đón gió. Bởi lẽ các khu đất từ mép sông Sài Gòn đến mép đường Nguyễn Văn Hưởng đã xây dựng dày đặc các biệt thự. Nhiều con hẻm từ đường Nguyễn Văn Hưởng chạy ra sát bờ sông Sài Gòn vốn thuộc sở hữu chung đã bị “giới nhà giàu” nơi đây chiếm dụng, quây thành lối đi nội bộ của “cư dân biệt thự”, có bảo vệ gác chắn, người lạ không được đi vào. Khi chúng tôi xin vào Hẻm 153, Khu biệt thự Thảo Điền 2, thì bị bảo vệ ở đây từ chối vì chúng tôi không phải cư dân của khu biệt thự.
Thậm chí khu đất vốn dĩ là hành lang sông Sài Gòn ở cuối nhiều con hẻm đường Nguyễn Văn Hưởng cũng được các đại gia tự tung tự tác đào, xây, tỉa tót làm tiểu cảnh, hòn non bộ. Đơn cử như Hẻm 189D đã được đại gia dựng hòn non bộ, trồng cây kiểng, biến không gian chung thành không gian phục vụ của mình. Hay như Hẻm 35 đã được hô biến thành lối đi nội bộ dành cho Khu biệt thự Luxury Living. Chưa hết, có biệt thự còn san ủi đất hành lang sông làm sân tennis, bể bơi, và tổ chức kè bờ kiên cố để đua một phần khuôn viên biệt thự ra mặt nước sông Sài Gòn, bất chấp biển cảnh báo hành lang an toàn đường sông mà Sở Giao thông vận tải cắm chốt gần đó.
“Khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi lần muốn ra bờ sông Sài Gòn, tôi phải đi vòng về phía cầu Sài Gòn. Đây là khu vực mà người dân còn tự do được ra bờ sông tập thể dục, hóng mát chứ vào sâu đường Nguyễn Văn Hưởng thì không còn nữa, các hẻm chung dẫn ra bờ sông đã bị chiếm dụng đường nội bộ các khu biệt thự”, bà Nguyễn Thị Bình, người dân sống ở khu vực phường Thảo Điền cho biết.
Cũng tại phường Thảo Điền, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng có tới 17 công trình vi phạm xây dựng đã bị cơ quan chức năng ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa thể cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm (chủ yếu vượt tầng, sai thiết kế). Các công trình vi phạm do các cá nhân xây dựng tại khu vực thuộc dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dịch vụ Công ích Quận 4 và Hẻm 188 đường Nguyễn Văn Hưởng, khu Thảo Điền Gold.
Một vụ việc lấn sông “gây bão” khác tại phường Thảo Điền, Quận 2 là dự án biệt thự cao cấp ven sông Thảo Điền Sapphire tại địa chỉ 145 Nguyễn Văn Hưởng. Dự án vi phạm xây dựng, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn và rạch Ông Hóa. Cụ thể công trình hồ bơi, thể dục, thể thao của dự án được xây dựng nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 1 tỷ đồng, phía chủ đầu tư cũng đã tự tháo dỡ công trình vi phạm. Rõ ràng, vì lợi nhuận của những căn biệt thự triệu đô dọc bờ sông Sài Gòn, người ta sẵn sàng xâm phạm hành lang bảo vệ sông một cách không thương tiếc.
… đến quán nhậu, cafe
Không chỉ sông Sài Gòn mà nhiều sông, kênh nội thành khác như Thanh Đa, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Mương Chuối, Soài Rạp (huyện Nhà Bè)… cũng mọc la liệt các quán nhậu sát bờ hoặc nằm trọn trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch.
Trước mặt là sông Mương Chuối, sau lưng là đường điện cao thế 110kV Nhà Bè - An Nghĩa. Nhà hàng Biển Nhớ, đường Nguyễn Bình, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh “lọt thỏm” giữa hành lang đó nhưng lại “uy nghi” cao đến 3 tầng.
Ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè xác nhận với phóng viên, huyện đã kiểm tra, công trình không nằm trong hành lang điện cao thế. Huyện cấp phép xây dựng tạm trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải về phạm vi hành lang bảo vệ sông (30m). Phần xây dựng nhà hàng nằm trong hành lang bờ sông, còn phần khung sắt đua ra, quây bạt ra tiếp hướng bờ sông thì huyện đã yêu cầu xã và Thanh tra địa bàn lập biên bản, tạm ngưng triển khai.
Thế nhưng theo Công ty Lưới điện cao thế Thành phố Hồ Chí Minh, nhà hàng Biển Nhớ nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây 110kV Nhà Bè – An Nghĩa. Ngày 27/8/2019 Công ty Lưới điện cao thế Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát hiện trạng hành lang an toàn lưới điện cao áp đối với thửa đất chuẩn bị xây dựng nhà hàng Biển Nhớ. Sau đó căn cứ vào Điều 13, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện (Điều kiện tồn tại nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV), ngày 3/9/2019 Công ty Lưới điện cao thế Thành phố Hồ Chí Minh thỏa thuận biện pháp bảo đảm an toàn khi xây dựng nhà hàng Biển Nhớ.
Tuy nhiên, trước đó vào ngày 1/8/2019, UBND huyện Nhà Bè đã cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn số 802/GPXDCTH-UBND (giấy phép xây dựng tạm, chủ đầu tư tự tháo dỡ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch) cho chủ đất xây dựng nhà hàng Biển Nhớ không phải với kết cấu giản đơn, thấp tầng mà lên tới 3 tầng, chiều cao 11,6m.
Trên đường Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, có nhiều nhà hàng ăn uống, trong đó có nhà hàng với cái tên đặc biệt “Hầm rượu Hải Yến”. Ngoài cái tên, nhà hàng này còn đặc biệt ở chỗ ngang nhiên đóng cột đua lấn ra gần nửa mặt kênh Rạch Đĩa mà không có sự kiểm tra, xử lý nào của cơ quan chức năng.
Cũng tại Quận 7, nhà hàng sông Quê 5 trên đường Đào Trí, phường Phú Mỹ, sử dụng luôn hành lang bờ sông Soài Rạp để mở quán nhậu. Mỗi khi chiều tới, bờ sông Soài Rạp lại lung linh ánh đèn từ phía nhà hàng sông Quê 5 đổ xuống. Khách ngồi nhậu chỉ cần với tay là chạm mặt sông Soài Rạp.
Cùng hệ thống nhà hàng sông Quê, tại cầu Phú Xuân, phía bờ Quận 7 là nhà hàng sông Quê 1. Nhà hàng này dựng cột kèo đua quán ra tận mặt sông Rạch Đĩa, cách bờ sông khoảng 10m. Khách nhậu ngồi trên sàn gỗ, sóng nước bì bõm phía dưới. Và chỉ cần một chiếc ca nô phóng nhanh hoặc một con thuyền quay đầu gấp cũng khiến sóng nước văng tung lên bàn…
Người dân bức xúc trước việc nhiều hàng quán đua nhau lấn sông, xây dựng trong hành lang bảo vệ sông không đúng với quy định của thành phố. Một quán tồn tại được thì cũng sẽ có hàng chục quán thậm chí hàng trăm quán tồn tại. Lúc này sông, kênh sẽ chẳng còn là sông, kênh, không gian thiên nhiên chung bị xâm phạm, vừa chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân lại vừa gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến dòng chảy, gây ngập úng, sạt lở.
Bài 2: Quản lý lỏng lẻo
Trần Xuân Tình/TTXVN
Tags