- Người Việt ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới kể chuyện đi chợ giữa thời lạm phát: Giá tăng phi mã, toàn rau quả nhập khẩu tươi rói đắt cũng phải mua
- Cô gái Việt kể chuyện đi chợ hải sản tươi sống nổi tiếng Hàn Quốc: Có thể ăn ngay tại chợ luôn, 4 triệu đồng một bữa không gọi là đắt
- Người phụ nữ Việt kể "chuyện lạ" khi đi chợ với mẹ chồng ở Ấn Độ, lượn khắp chỉ để mua 2 thứ quan trọng này
- Người phụ nữ Việt kể chuyện đi chợ ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc: Rất nhiều thứ để mua nhưng không thể thiếu món này
Dù không hay đi chợ nhưng Trinh nhận thấy đồ bán ở chợ đắt hơn siêu thị, có thể vì đồ tươi mới hơn.
Đảo quốc sư tử Singapore nổi tiếng là quốc gia hiện đại bậc nhất thế giới nên nhiều người lầm tưởng rằng nơi đây chỉ toàn trung tâm thương mại và siêu thị hiện đại, sầm uất. Tuy nhiên, thực tế thì đất nước này còn tồn tại rất nhiều khu chợ truyền thống tấp nập và náo nhiệt, chắc chắn sẽ khiến người Việt cảm thấy gần gũi, thân thuộc.
Mới đây, một nàng dâu Việt ở Singapore tên Trinh đã giới thiệu về một khu chợ truyền thống ở gần nhà chồng của cô với rất nhiều mặt hàng nông sản rau củ quả tươi rói. Tuy nhiên, chợ này vẫn có những nét khác biệt với chợ ở Việt Nam khiến cô nàng và cả bà ngoại ngỡ ngàng.
Đăng tải lên tài khoản TikTok có tên @trinhtrinhsingapore, cô nàng Trinh phấn khích cho biết: "Nhân tiện bà ngoại mình mới từ Việt Nam qua đây nên mình dẫn bà đi ăn sáng và đưa bà đi chợ truyền thống ở đây luôn. Từ lúc làm dâu Singapore đến giờ, đây là lần thứ 2 mình mới phải dậy sớm để đi chợ".
Trinh cho biết chợ truyền thống ở Singapore thì cũng giống hệt chợ ở Việt Nam. Có bán đầy đủ thịt, cá, rau củ, trái cây tươi. Và đặc biệt, người ta cũng bày ra các sạp, phân chia từng loại như ở chợ Việt. Điều khác biệt là có những quầy hàng niêm yết sẵn giá để tránh mất công hỏi giá, mặc cả. Cô cũng thừa nhận mua cá ở chợ thì được cái là tươi, người bán làm sạch sẽ cho mình luôn.
Dù không hay đi chợ nhưng Trinh nhận thấy đồ bán ở chợ đắt hơn siêu thị. Điều này cô nàng không khẳng định được với tất cả các mặt hàng nhưng lấy ví dụ rằng một con gà đã làm sạch lông ở siêu thị bán 11 đô la Singapore (tương đương gần 200.000 VNĐ), nhưng ở chợ bán tới 18 đô la Singapore (tương đương 318.000 VNĐ).
Điểm đặc biệt nữa mà cô nàng nhận ra là tìm mỏi mắt ở khu chợ không thấy có sạp hàng nào bán thịt bò tươi và cả trứng vịt.
Trinh nói: "Luật ở Singapore thì chắc chắn không được bán trứng vịt lộn, nhưng chẳng lẽ trứng vịt bình thường cũng không có luôn hả mọi người?".
Chợ truyền thống không còn phổ biến ở Singapore?
Năm 2022, Channel News Asia đã có bài viết đánh giá về sức hút của các khu chợ truyền thống ở Singapore. Và thực tế cho thấy chợ truyền thống dần mất đi "vị thế" khi mà các siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng nhiều.
Bài viết của Channel News Asia cũng chỉ ra rằng, các siêu thị thường nằm ở các vị trí thuận lợi, mở cửa muộn hơn, giúp người dân thuận tiện mua đồ khi đi làm về. Bên cạnh đó, mua sắm trong siêu thị thoáng mát sạch sẽ cũng thoải mái hơn tại các khu chợ ẩm ướt. Các siêu thị lớn cũng có thể cung cấp các mặt hàng đa dạng và phong phú hơn ở chợ.
Chưa hết, sau đại dịch Covid-19, chợ truyền thống còn phải cạnh tranh với một loại hình kinh doanh nữa là đặt hàng online. Các ứng dụng như Deliveroo và Foodpanda giúp việc mua đồ ăn trực tuyến trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Người dân cũng sẵn sàng trả số tiền cao hơn để đổi lấy sự tiện lợi.
Đó là những lý do khiến các khu chợ truyền thống ở Singapore trở nên kém sức hút hơn. Nhưng đó không phải nguyên nhân lớn nhất.
Thế hệ trẻ Singapore không còn muốn tiếp quản các quầy hàng của cha mẹ họ. Rất nhiều tiểu thương đã trả gian hàng cho chính quyền khi đã nhiều tuổi. Việc cho thuê lại quầy trở nên khó khăn hơn vì không ai muốn bán.
Trước đây, giá thuê một gian hàng đã có lúc lên tới hàng chục nghìn đô la Singapore nhưng giờ được đấu thầu với giá khởi điểm chỉ 10 đô la Singapore/tháng. Nhiều khu chợ truyền thống ở Singapore giờ vắng vẻ thay vì cảnh tấp nập, đông đúc.
Nói với Channel News Asia, đại diện Cục Môi trường quốc gia Singapore nhận định chợ truyền thống hiện không còn phổ biến như xưa. Nguyên nhân là vì "những thay đổi về nhân khẩu học, hành vi của người tiêu dùng, các mặt hàng tươi sống, sẵn có trong siêu thị và trung tâm mua sắm".
Nguồn: Tổng hợp