Nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục thách thức "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu

Thứ Bảy, 10/08/2024 11:38 GMT+7

Google News

Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng ngày càng nhiều, kéo dài và khắc nghiệt. Nhiều thành phố trên khắp các châu lục đang tiếp tục trải qua những ngày nắng nóng gây hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe con người. Những hệ lụy này cho thấy "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu đã trở nên cấp thiết.

* Nhiệt độ liên tục bị phá vỡ

Theo dữ liệu sơ bộ của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), ngày 21/7 vừa qua được ghi nhận là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu. Cụ thể, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đo được vào ngày 21/7 vừa qua là 17,09 độ C, cao hơn một chút so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua là 17,08 độ C. Tuy nhiên, chỉ ngay ngày hôm sau, kỷ lục đã bị phá vỡ, khi mức nhiệt này tăng thêm 0,6 độ C, lên 17,15 độ C.

Như vậy là kể từ tháng 6/2023, thế giới đã trải qua 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Một số nhà khoa học cho rằng, năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy.

Nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục thách thức "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hà Nội đang trải qua những ngày nắng nóng, nhiệt độ ban ngày nhiều nơi lên tới 38 độ C

Nhiệt độ cực đoan đã gây ra nhiều hệ lụy với con người. Nắng nóng làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, gồm tim mạch, hô hấp và bệnh mạch máu não, sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan đến tiểu đường. Theo con số thống kê mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 1/8/2024, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019, mỗi năm nắng nóng cực đoan cướp đi sinh mạng của 489 nghìn người trên toàn cầu. Riêng tại châu Âu, nơi nhiệt độ tăng nhanh hơn phần còn lại của thế giới, số ca tử vong liên quan đến nắng nóng đã tăng 30% trong 2 thập niên qua, lên tới 176.040 ca mỗi năm.

Nắng nóng còn khiến cuộc sống ở nhiều nơi trên Trái đất đảo lộn. Tại Trung Quốc, sau khi trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc tiếp tục phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt, đặc biệt là ở miền Đông và miền Nam nước này. Thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 41,9 độ C trong ngày 3/8. Đã có ít nhất hai người ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc tử vong vì say nắng và nhiều người khác gặp vấn đề về sức khỏe khi nhiệt độ dao động quanh mức 40 độ C trong ngày thứ 8 liên tiếp ở khu vực bờ biển phía Đông nước này.

Còn tại Hàn Quốc, Bộ Nội vụ Hàn Quốc ngày 5/8 cho biết đợt nắng nóng trên toàn quốc đã khiến số người mắc bệnh liên quan đến nhiệt độ cao tăng lên 1.546 ca trong thời gian từ ngày 20/5 đến 3/8, tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 11 trường hợp đã tử vong.

Nhật Bản cũng đang hứng chịu nắng nóng gay gắt của mùa Hè. Nhiều địa phương tại Nhật Bản đã ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C. Trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 28/7, hơn 12.000 người ở Nhật Bản đã nhập viện trên cả nước do các vấn đề liên quan nắng nóng.

Nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục thách thức "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Khách du lịch che ô tránh nắng nóng khi tham quan Đấu trường La Mã ở Rome, Italy ngày 12/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, các chính quyền vùng và đô thị trên khắp Italy ngày 8/8 đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh nắng Hè gay gắt vẫn tiếp diễn tại quốc gia Nam Âu này. Theo trang dữ liệu khí tượng Il Meteo.it, dự báo nhiệt độ sẽ lên tới 43 độ C ở một số vùng miền Nam và các đảo của Italy. Trong khi đó, Bộ Y tế Italy nhận định số lượng thành phố nằm trong tình trạng báo động "cam" hoặc "đỏ" tăng lên. Dự báo ngày 10/8, 20/27 thành phố lớn nhất của nước này, trong đó có Rome, Florence và Palermo được đặt trong tình trạng báo động "cam" hoặc "đỏ"…

* Cần hành động toàn cầu để giải quyết tình trạng nắng nóng cực đoan

Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có nắng nóng, xảy ra thường xuyên, kéo dài và nghiêm trọng hơn. Trước tình trạng này, mới đây ngày 25/7/2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi hành động toàn cầu để giải quyết tình trạng nắng nóng cực đoan, bởi "nhiệt độ khắc nghiệt không còn là hiện tượng chỉ xảy ra trong một ngày, một tuần hay một tháng nữa".

Theo số liệu do người đứng đầu Liên hợp quốc công bố, nắng nóng đã giết chết gần nửa triệu người mỗi năm, cao hơn khoảng 30 lần so với bão nhiệt đới. Ông Guterres chỉ ra rằng: "Nhiệt độ cực đoan là điều bất thường mới… Các hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch chính là nguyên nhân đằng sau nhiệt độ cực đoan".

Nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục thách thức "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Người dân tránh nóng trong công viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng chung nhận định, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 25/7 đã công bố báo cáo "Nhiệt độ tại nơi làm việc: Tác động đến an toàn và sức khỏe". Báo cáo cho thấy ngày càng có nhiều người lao động trên toàn thế giới đối mặt với căng thẳng do nhiệt độ, ngay cả ở những khu vực có khí hậu ôn hòa. Dữ liệu mới cho thấy các khu vực trước đây không quen với nhiệt độ cao cực đoan sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng, trong khi người lao động ở những vùng khí hậu vốn đã nóng sẽ phải đối mặt với những điều kiện ngày càng nguy hiểm hơn. Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng, căng thẳng do nhiệt độ là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng có thể nhanh chóng gây ra bệnh tật, say nắng hoặc thậm chí tử vong. Theo thời gian, nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim, phổi và thận cho người lao động.

Theo báo cáo của ILO, người lao động ở Châu Phi, các quốc gia Arab và châu Á-Thái Bình Dương thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, với lần lượt 92,9%, 83,6% và 74,7% lực lượng lao động bị ảnh hưởng. Các con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu là 71%, theo số liệu mới nhất có sẵn (năm 2020).

Báo cáo ước tính rằng 4.200 công nhân trên toàn cầu đã tử vong vì nắng nóng vào năm 2020. Tổng cộng, 231 triệu công nhân đã phải tiếp xúc với nắng nóng vào năm 2020, tăng 66% so với năm 2000.

Nắng nóng khắc nghiệt tiếp tục thách thức "cuộc chiến" chống biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Các túi nước được treo trên cây khi sóng nhiệt bao trùm Gangneung, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 7/8/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Từ những thực trạng đáng quan ngại nêu trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc thúc giục các nhà lãnh đạo trên mọi lĩnh vực phải thức tỉnh và hành động, đồng thời lưu ý rằng "tất cả các quốc gia phải thực hiện các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm tới, hoặc thực hiện các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C". Bên cạnh đó, ông Guterres cũng kêu gọi các nước loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách "nhanh chóng và công bằng", đồng thời chấm dứt các dự án điện than mới.

Cần lưu ý rằng hành động vì khí hậu cũng đòi hỏi hành động tài chính, ông Guterres cho biết điều đó bao gồm các quốc gia phải cùng nhau đạt được kết quả tài chính mạnh mẽ ở Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan vào tháng 11/2024 tới đây; đạt tiến triển về các nguồn tài chính sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ năng lực cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương để giúp các nước đang phát triển giải quyết khủng hoảng khí hậu, trong khi các quốc gia giàu có hơn cần thực hiện tốt tất cả các cam kết tài chính về khí hậu của họ.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›