Lễ hội sen Hà Nội đang diễn ra đến hết ngày 16/7 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (phố Lạc Long Quân, Hà Nội) không chỉ đơn thuần là kể những câu chuyện tôn vinh, quảng bá một loài hoa đặc trưng của Hà Nội. Hơn thế, lễ hội này còn gợi mở ra nhiều vấn đề đáng quan tâm trong việc định vị sen Hà Nội trở thành một thương hiệu trong phát triển văn hóa và cả kinh tế cho Thủ đô.
Nhìn vào lịch trình của Lễ hội sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức dễ thấy ngoài những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cộng đồng hoặc xúc tiến thương mại còn có những sự kiện mang tính chất chuyên môn, có ý nghĩa hoạch định dài hơi cho phát triển của thương hiệu sen Hà Nội. Đơn cử như tại Hội thảo Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ lễ hội, nhiều ý kiến đã tập trung đánh giá thực trạng và định hướng, giải pháp phát triển sen trên địa bàn Hà Nội.
Bảo tồn giống sen trăm cánh
Theo PGS-TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), Việt Nam có 3 miền/vùng rõ rệt, cũng có 3 loại giống sen rất đặc trưng cho mỗi vùng miền. Đó là, miền Nam có sen hồng Đồng Tháp, miền Trung có sen trắng Huế, miền Bắc có sen bách diệp Tây Hồ.
Phân loại như thế, rõ ràng hoàn toàn có thể định vị sen bách diệp Tây Hồ là trọng tâm trong phát triển thương hiệu sen Hà Nội. Thực tế, Quyết định số 4924/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Hà Nội đến năm 2030" của UBND thành phố Hà Nội đã xác định, sen Hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.
Ở góc độ khoa học, ông Đông cho biết, sen bách diệp trồng ở Hồ Tây có đặc trưng lá xanh đậm, hình tròn, mặt lá nhẵn và bóng, cánh hoa to, dạng kép, mỗi bông có xấp xỉ 100 cánh. Cánh hoa màu hồng đỏ, nhụy, nhị đều to, màu vàng nâu, có hương thơm rất đặc biệt, mùi hương quyến rũ, dễ chịu. Chính vì vậy, giống sen này đã từ lâu được coi là đặc sản vùng, đồng thời cũng được coi là một phần của văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Mặc dù được coi là đặc sản vùng, song những năm gần đây, diện tích trồng sen tự nhiên ở khu vực Hồ Tây bị thu hẹp đáng kể. Chưa kể hiện nay, các đầm sen đang trong tình trạng đất trắng, hoặc cỏ dại mọc, một số đầm chưa được kè thì nhiều rác thải, mất mỹ quan, trong đầm hầu như còn rất ít gốc sen từ năm trước.
Thực tế, tình trạng này không chỉ gặp ở sen Tây Hồ mà còn xảy ra với nhiều loại sen đặc sản quý hiếm khác. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Đặng Văn Đông có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Song, có 3 nhóm nguyên nhân chính từ cơ chế quản lý, môi trường và khoa học công nghệ. Cụ thể về cơ chế quản lý, hiện nay các đầm ở khu vực Hồ Tây chưa có cơ chế giao khoán rõ ràng, chưa có chủ nhân thực sự, có đầm có chủ, nhưng những người chủ này lại ít tâm huyết với cây sen, không đầu tư thích đáng vật tư, công sức cho việc chăm sóc cây sen, do vậy năng suất thấp, hiệu quả thu được không đáng kể.
Trong khi đó, ở khía cạnh môi trường chủ yếu do tình trạng ô nhiễm cả nguồn đất và nước. Trong khi, đặc tính của cây sen Tây Hồ yêu cầu cả đất và nước đều phải sạch, không ô nhiễm. Tuy nhiên nguồn đất và nước ở khu vực Hồ Tây đều bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt chưa được kiểm soát. Bởi thế, ô nhiễm đã làm cho cây sen khó có thể sống nếu không có những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.
Còn về khoa học công nghệ, lâu nay người dân Tây Hồ chủ yếu chọn giống, trồng, canh tác sen theo kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng khoa học công nghệ, nên cây sen bị thoái hóa, bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên trong, từ đó làm cho cây trồng bị chết, mùa thu hoạch nhanh tàn. Mặt khác cũng do người dân chưa hiểu hết nguyên nhân gây bệnh, nên chưa có cách phòng trừ hiệu quả.
Trước hiện trạng kể trên, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen bách diệp của Tây Hồ, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội".
Mô hình này được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng, Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7 ha. Triển khai mô hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Hà Nội đã hỗ trợ 50% giống sen bách diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, người dân được hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cũng như công tác cải tạo lòng hồ, xử lý nguồn nước…
"Hiện, sen bách diệp tại 2 hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ đã bung nở và cho thu hoạch. Kết quả của mô hình là cơ sở để nhân rộng mô hình trên các ao/ hồ thuộc địa bàn quận trong các năm tiếp theo. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn giống sen trăm cánh này trước nguy cơ bị mai một" - ông Hoa cho hay.
Dự kiến, trong năm 2025, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích trồng sen thêm 300 ha, đưa tổng số diện tích lên 900 ha.
Để Hà Nội có sen bốn mùa
Phát triển thương hiệu sen Hà Nội, dĩ nhiên không chỉ tập trung vào sen bách diệp của Tây Hồ. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và giá trị kinh tế của sen Hà Nội, thành phố đã mở rộng các vùng trồng sen ở nhiều quận, huyện, thị xã.
Đến nay có khoảng 600 ha trồng sen, tập trung ở các địa phương như: Mỹ Đức 188 ha, Ba Vì 70 ha, Mê Linh 65 ha, Phúc Thọ 25 ha, Ứng Hòa 25 ha, Bắc Từ Liêm 25 ha, Tây Hồ 19,6 ha, Quốc Oai 18 ha. Dự kiến, trong năm 2025, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích trồng sen thêm 300 ha, đưa tổng số diện tích lên 900 ha.
Thiết thực hơn nữa để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, ông Hoa còn thông tin, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó, bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, chất lượng vượt trội. Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa Hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật đã tạo ra nhiều giống sen mới, giúp mùa sen Hà Nội hiện nay có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm.
Có thể nói với triển vọng phát triển các khu vực trồng sen rộng khắp Hà Nội, tại khu vực ngoại thành Hà Nội nhất là các huyện, thị xã Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên,… trong quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cũng như vành đai xanh của Thủ đô gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, cây sen phải được đầu tư hướng tới đa giá trị vừa đảm bảo cảnh quan môi trường, vừa phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Muốn vậy, Hà Nội không chỉ "độc bản" có sen bách diệp Tây Hồ để làm trà mà phải có đủ bộ giống sen chất lượng cao, mang tính chuyên biệt có thể dài vụ, để Hà Nội có sen bốn mùa, và tối ưu hóa giá trị cây hoa sen.
Để "hiện thực hóa" tầm nhìn này, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn nghiên cứu và đưa ra nhiều giống sen chất lượng cao, chuyên biệt vào sản xuất tại các vùng chuyên canh sen của Hà Nội.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các mô hình trình diễn sen giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình sản xuất sen hàng hóa chất lượng cao gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị. Và, bên cạnh đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cây sen, chuẩn hóa các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, kết nối nông dân để cùng sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu sản phẩm đặc sản, sản phẩm quà tặng phong phú và đa dạng từ cây sen" - ông Đại chia sẻ.
Hà Nội không chỉ "độc bản" có sen bách diệp Tây Hồ để làm trà mà phải có đủ bộ giống sen chất lượng cao, mang tính chuyên biệt có thể dài vụ, để Hà Nội có sen bốn mùa, và tối ưu hóa giá trị cây hoa sen.
(Còn tiếp)
Tags