(Thethaovanhoa.vn) - Tuyến QL5 từ Hà Nội đi Hải Phòng đã “mãn tải” từ lâu, và đó cũng là một trong những cung đường rất “khó chịu” với lái xe, theo nhiều lẽ. Và họ mong từng ngày có thể chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng trên đường cao tốc mới, với tốc độ ô tô theo thiết kế tới 120km/h.
Tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất nước đó đã khởi công từ 7 năm trước, giờ đang tới đâu?
Việc thông xe, khai thác tạm thời đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng
Theo báo điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tổ chức thông xe, khai thác tạm thời và thực hiện thu phí dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc nghiệm thu các hạng mục công trình thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại theo đúng dự án đầu tư được duyệt; lấy ý kiến của Bộ Tài chính về mức thu phí theo đúng quy định trước khi tổ chức thu phí. Đồng thời xây dựng quy trình quản lý, khai thác tạm thời để đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông trên tuyến.
Tuyến đường sẽ có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ.
Việc sớm đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương; góp phần điều tiết giao thông quốc lộ 5, quốc lộ 10, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Dự kiến, 19/5 hoàn thành 25km; cuối năm sẽ khánh thành
Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án đường giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn đầu tiên triển khai mô hình BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) với chiều dài 105,5 km tiêu chuẩn cao tốc quốc tế. Điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội (cách mố bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).
Dự án được khởi công từ 19/5/2008 với tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, Toàn tuyến có chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35m với sáu làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/giờ, hai làn dừng xe khẩn cấp.
Hồi trung tuần tháng 4, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - chủ đầu tư dự án), cho TTXVN biết, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phấn đấu sẽ thông xe 25 km đoạn từ cầu Thanh An (giáp Hải Dương) - Nút giao quốc lộ 10 - Nút giao đường 353 (thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng) vào ngày 19/5/2015.
Vidifi cũng cho biết, trên công trường, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các phần việc như thảm bê tông nhựa các lớp, đổ bê tông dải phân cách, rào hộ lan… đang được triển khai quyết liệt. Song song với đó gói thầu về cảnh quan-cây xanh, nhà điều hành trung tâm, nhà thu phí, đường gom… cũng đã được chuẩn bị và đang gấp rút thi công để theo kịp với tiến độ khánh thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2015.
Theo đánh giá, với mạng lưới đường giao thông nối Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng chỉ có Quốc lộ 5, mặc dù đã được nâng cấp lên 4-6 làn xe, theo tiêu chuẩn đường cấp I (đồng bằng). Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và các cụm dân cư dọc theo hai bên Quốc lộ 5, nên tuyến đường đã mãn tải, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ ra cảng Hải Phòng.
Vì vậy, việc đưa vào khai thác 25 km đầu tiên của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ có ý nghĩa lớn trong trong việc giải tỏa ách tắc cho Quốc lộ 5 hiện nay.
PV (tổng hợp)
Tags