Nên có tour thăm quan Nhà Quốc hội

Thứ Tư, 25/05/2016 12:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa chính thức hoạt động, nhưng bảo tàng khảo cổ tại Nhà Quốc hội đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận. Bởi, đây là lần đầu tiên, chúng ta có hình thức “bảo tàng ngầm” tại một khu vực có vị trí đặc biệt về chính trị.

Việc xây dựng bảo tàng được Chính phủ giao cho Trung tâm nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) triển khai từ 2012. Ngày 19/5 vừa qua, công trình này đã khánh thành và có buổi giới thiệu trước các chuyên gia về văn hóa.

Đạt “chuẩn” quốc tế

Cũng cần nói thêm, hiện công trình này vẫn tạm thời được gọi bằng cụm từ “khu trưng bày”. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Văn Huy: “Việc sử dụng khái niệm “bảo tàng” sẽ hợp lý hơn về bản chất. Chúng ta nên sớm định danh tên gọi, để công trình đạt chuẩn quốc tế này có vai trò xứng đáng trước du khách”.

Tiêu chuẩn quốc tế, theo giải thích của PGS Huy, nằm ở hệ thống thiết bị hiện đại, cách diễn giải tinh tế, khoa học và có thể phục vụ được nhiều đối tượng du khách khác nhau – kể từ những khách phổ thông cho tới những người muốn hiểu sâu và rõ về hiện vật. 2 tầng hầm được chia làm các thời kỳ trước 1010 và Thăng Long sau 1010.

Ở mỗi tầng, các hiện vật trưng bày lại được chia thành từng chủ đề, từng câu chuyện khác nhau về vật liệu kiến trúc, giếng cổ, đồ sành sứ… cho tới tục ăn trầu, hút thuốc lào, sinh hoạt tôn giáo.


Một góc trưng bày tại "bảo tàng ngầm" dưới Nhà Quốc hội

Bên cạnh việc biên soạn tư liệu, phía tổ chức đã rất công phu và tỉ mỉ trong nghệ thuật trưng bày tại không gian độc đáo này. Như lời PGS Bùi Minh Trí (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành), vì muốn có được hệ thống 42 cột ánh sáng tạo thành 42 “cột gỗ giả”, một số cán bộ đã phải sang Đức để đặt hàng một công ty nổi tiếng về chế tạo đèn chiếu sáng bảo tàng.

Tuy nhiên, công ty này trả lời không thể chế tạo, bởi yêu cầu đưa ra quá đặc biệt. Cuối cùng, ý tưởng này phải sửa đổi một chút, và được thực hiện thành công từ  một công ty trong nước.

Trong phần văn hóa thời kỳ Đinh - Tiền Lê, thay cho những mảnh gạch ngói đơn thuần, 2 bức tranh Rồng bayBình minh Thăng Long được kỳ công ghép lại từ các… mảnh hiện vật vỡ. Rồi, từ kết quả khảo cổ, phía Trung tâm đã tổ chức riêng một một hội thảo quốc tế về các vật liệu xây dựng và kiến trúc thời Lý tại Hoàng thành để làm cơ sở thực hiện những thước phim minh họa về Hoàng thành giai đoạn này.

Bằng con mắt của một chuyên gia hàng đầu về Bảo tàng, PGS Huy khẳng định: số kinh phí thực hiện dự án này không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo lời ông, đó lại chính là một… điểm tích cực.

Ông Huy nói: “Trường hợp này đúng với câu “đắt xắt ra miếng”. Với kinh phí lớn, chúng ta đáp ứng được những nhu cầu đặc biệt của thiết kế. Chẳng hạn, đây là lần đầu tiên, bảo tàng Việt Nam có một hệ thống mặt sàn kính trong suốt chịu lực với diện tích lớn để khách thăm quan vừa đi lên trên vừa ngắm hiện vật ở dưới chân mình. Chính sự đầu tư mạnh dạn và thích đáng này đã giúp chúng ta phát huy được hết tiềm năng của một bảo tàng có vị trí và vai trò đặc biệt”.

Người dân có thể tham quan Nhà Quốc hội?

Ở thời điểm hiện tại, sau khi khánh thành, việc khai thác Bảo tàng dưới hầm Nhà Quốc hội để phục vụ nhân dân và du khách vẫn đang chờ quyết định chính thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không gian này nên được định hướng khai thác trong việc gắn liền với chức năng đặc thù của Nhà Quốc hội ở phía trên.

Lần đầu công bố kết quả khảo cổ tầng hầm Nhà Quốc hội

Lần đầu công bố kết quả khảo cổ tầng hầm Nhà Quốc hội

Từ diện tích khai quật hơn 14.000m2, một khu trưng bày đã được triển khai dưới tầng hầm nhà Quốc hội


“Đây là lần đầu tiên một toà nhà công vụ, lại là toà nhà của cơ quan quyền lực cao nhất nước ta, có một bảo tàng ở bên trong để lưu giữ lại những vật chứng lịch sử. Đó là là biểu tượng tuyệt vời của một sự kế thừa, kết nối và cả trách nhiệm với lịch sử khi hội trường phía trên là nơi các đại biểu của nhân dân thảo luận những vấn đề của quốc gia - trong khi tầng hầm phía dưới lại là nơi lưu giữ và giới thiệu những di sản lịch sử và văn hoá của gần 1.300 năm liên tục”.

Theo lời PGS Huy, ở các nước phát triển, các tòa thị chính hay tòa nhà Quốc hội có chương trình mở cửa cho công chúng vào xem. Thậm chí, trong những ngày Quốc hội họp, công chúng vẫn có thể vào xem. Nếu chưa thể thực hiện được mô hình này, chúng ta ít nhất cũng nên tạo điều kiện cho nhân dân vào tham quan toàn bộ khu Nhà Quốc hội trong những dịp không diễn ra phiên họp nào.

Theo PGS Lại Văn Tới, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, trước mắt, để đảm bảo an ninh, cũng như giữ lượng khách ở mức độ vừa phải và không ảnh hưởng tới chất lượng tuyến tham quan, việc tổ chức tham quan có thể được tiến hành theo hình thức phục vụ từng đoàn khách, thay vì mở cửa tự do như các bảo tàng khác.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›