Nền thể thao… nữ tính!

Thứ Tư, 30/08/2017 06:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 5 lần vô địch SEA Games ở môn bóng đá nữ để san bằng kỷ lục với kình địch người Thái, một thành tích vô tiền khoáng hậu. Điền kinh, bơi - những môn thể thao bắt buộc đã gặt “mùa vàng bội thu”, một lần nữa khẳng định chủ trương “lấy nữ làm chủ công” của ngành thể thao vẫn còn giá trị.

1. Còn nhớ năm 2001 trên đất Mã, lần đầu tiên đội quân nữ của ông thầy ngoại Steve Darby giành chiếc HCV bóng đá nữ tại SEA Games 21 cũng trước người Thái. Lần đó, Thái Lan mạnh nhưng không phải là đội bóng mạnh nhất. Kình địch trong khu vực lúc đó là bóng đá nữ Myanmar, họ từng cạnh tranh gay gắt với các cô gái đá bóng Việt ta ở giải vô địch bóng đá Đông Nam Á.

Thắng Myanmar ở bán kết trên chấm luân lưu 11m, đội tuyển nữ Việt Nam “làm gỏi” Thái Lan với 4 bàn thắng trong trận chung kết để lên ngôi nữ hoàng. Có thể bóng đá nữ còn chưa thu hút người xem vì tốc độ trận đấu thấp, các tình huống bóng chưa nhanh, các bàn thắng chưa mãn nhãn nhưng riêng việc họ vượt qua được tâm lý nữ nhi “chân yếu tay mềm” và chấp nhận sự khắc nghiệt của thể thao về nhan sắc đã xứng đáng được tôn vinh.

Nhìn sang các nội dung của điền kinh SEA Games 29, những cái cô gái Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Trần Thị Yến Hoa và Đỗ Thị Quyên đã vang danh trên bảng vàng. Lần đầu tiên, các "chân chạy" Việt Nam đã tấn công và thành công vào một nội dung mà nhiều năm các cô gái Thái Lan đã nắm giữ đó là cự ly tiếp sức 4x100m nữ, đồng thời phá kỷ lục SEA Games.

Trong 17 chiếc HCV, không thể không nhắc tới Tú Chinh, tay chạy cuối trong nội dung này. Tuổi 20, những bước chạy như con linh dương đã phá vỡ cầu trường Bukit Jalin cả ở cự ly 100m và 200m nữ. Tiếp nối thành công, hai VĐV Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thi Huệ cũng đã thi đấu xuất sắc ở nội dung 5.000m nữ khi đem về tấm HCV và HCB. Hình ảnh ám ảnh nhất là sau những nỗ lực tột cùng, hai chị em phải dìu nhau đứng lên càng khẳng định sự hy sinh vì đam mê của họ trên đường chạy.

Mùa vàng bội thu huy chương ở SEA Games năm nay không thể quên được 8 chiếc HCV, 2 HCB, xác lập 4 kỷ lục SEA Games của đại kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Lần SEA Games trước, Ánh Viên cũng 8 lần lên nhận HCV nhưng theo cô vẫn chưa hài lòng càng cho thấy phái nữ ở SEA Games lần này đã lên ngôi xứng đáng. Khái niệm về bình đẳng giới mà cả thế giới đang cố thực hiện thì ở SEA Games năm nay nó đã trở thành những trường hợp điển hình.

Vai trò của phụ nữ trong lịch sử dân tộc ta thì nhiều vô số kể. Đó cũng là lý do tại sao trong tâm linh người Việt có đền thờ Mẫu.

Công Phượng giành danh hiệu vua phá lưới bóng đá nam SEA Games 29

Công Phượng giành danh hiệu vua phá lưới bóng đá nam SEA Games 29

Với 4 bàn thắng, tiền đạo Nguyễn Công Phượng chính thức giành danh hiệu vua phá lưới SEA Games 29 cùng hai cái tên khác là Thanabalan của chủ nhà Malaysia và Aung Thu của U22 Myanmar.

2. “Xây giấc mộng ban đầu.Yêu người thuở mới đôi mươi, Em đang độ trăng tròn...”. Lời một bản nhạc bolero đang “hot” cứ xoáy lên khi nói về tình yêu nam nữ nhưng ở một giác độ nào đó nó cũng hợp với tâm thức người hâm mộ trái bóng tròn. Đau đáu yêu, tràn trề hy vọng… nhưng bỗng chốc trở thành hư không sau khi U22 Việt Nam trở nên "nữ tính", trắng tay trở về từ SEA Games xứ Mã.

Thắng trận thì được tung hô, thua trận thì bị dè bỉu, đó cũng là chuyện thường tình trong xã hội. Nhiều người cảm thông với lứa cầu thủ trẻ không thành công bởi không may mắn. Nếu trong thế “11 chống 10” trước Indonesia mà ta may mắn hơn thì mọi sự đã khác. Trong trận gặp Thái Lan, nếu ta không có những sai lầm cá nhân của thủ môn, nếu ta có sự nhanh nhạy trong điều binh của HLV trưởng thì mọi thứ đã khác.

Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu vui, bởi trong 11 vị trí ở đội hình tiêu biểu vòng bảng SEA Games 29 mà Fox Sport đưa ra, U22 Việt Nam chiếm đến 5 cái tên, gồm Bùi Tiến Dũng, Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Công Phượng.

"Rising together - Cùng nhau tiến lên" - Tại sao không, khi một SEA Games đang chờ chúng ta.

Đỗ Hải Âu

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›