(Thethaovanhoa.vn) - Dù phía sản xuất và đạo diễn chưa xác nhận chính thức, nhưng trong giới đang râm ran chuyện Em chưa 18 được nhà sản xuất một số nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… “dặm hỏi” để mua bản quyền làm lại (remake).
- Giải mã 'kỷ lục phòng vé' của hiện tượng 'Em chưa 18'
- Charlie Nguyễn xin đừng quay lén 'Em chưa 18'
- Kaity Nguyễn 'Em chưa 18': Ngây thơ, tinh quái và sexy
Nếu điều này thành hiện thực thì cái lợi cho phía giữ bản quyền hiện tại của Em chưa 18 chỉ là một là hai, mà cái lợi chung cho nền điện ảnh Việt Nam sẽ là bốn là năm. Tại sao vậy?
Đầu tiên, khoảng 10 năm trở lại đây, khi tư nhân tham gia và dần điều phối thị trường điện ảnh nội địa, đã có nhiều phim Việt đi ra nước ngoài, chủ yếu là dự các liên hoan, các chợ phim, tuần lễ văn hóa và kênh phát hành nhỏ lẻ. Suốt lịch sử điện ảnh, gần như chưa có phim Việt nào được quốc tế mua để làm lại, dù ở khía cạnh tác phẩm văn học, kịch bản thì đã từng có vài lần.
Việc mua phim để làm lại sẽ cho nền điện ảnh Việt Nam một cảm giác, một vị thế chưa từng có, đó là khả năng để nói chuyện bình đẳng hơn trên thị trường phát hành. Bởi dù muốn dù không, khi mua một phim khác để làm lại, nghĩa là phía mua phải công nhận phim đó hấp dẫn, phim đó hay, ít nhất ở khía cạnh thị trường, và câu chuyện có tính phổ quát của nó.
Trước đây, Việt Nam đã mua nhiều phim nước ngoài để làm lại, Em là bà nội của anh có thể là ví dụ điển hình, vì nó từng giữ quán quân về phim Việt bán vé tại Việt Nam.
Đây là chưa nói, trước thực tế thị trường điện ảnh thế giới đang bị chi phối, bị “định nghĩa” bởi cách làm phim của Hollywood, Bollywood, Hong Kong, và gần đây là Hàn Quốc, Trung Quốc, việc một phim “hạng ruồi” như Em chưa 18 vượt mặt được các bom tấn cỡ Fast & Furious 7, Fast & Furious 8, Kong: Skull Island… về chuyện bán vé tại thị trường nội địa là rất ý nghĩa. Số lượng phim Hollywood chiếu tại Việt Nam mấy năm gần đây luôn nhiều gấp 5-7 lần số phim nội được sản xuất.
Hàn Quốc khoảng 20 năm trước đây cũng từng bị Hollywood, Hong Kong chi phối như vậy, chỉ khi họ làm được các phim đánh bại được doanh thu phim ngoại nhập thì nền điện ảnh của họ mới thực sự chuyển mình, rồi lớn mạnh.
Bên cạnh những phim tham gia các liên hoan danh giá quốc tế, Việt Nam đang cần nhiều hơn những phim như Em chưa 18 để kích hoạt quyết tâm bỏ tiền của những nhà đầu tư. Nếu Em chưa 18 đoạt doanh thu 200 tỷ đồng (hiện nay đã là 170 tỷ, nên rất có cơ sở), việc các nhà đầu tư bỏ ra vài chục tỷ để làm phim sẽ có nhiều cơ sở thiết thực hơn. Phim chiếu rạp Việt Nam hiện nay vẫn loanh quanh mức đầu tư từ 10 đến 20 tỷ, nên nhà sản xuất, đạo diễn phải luôn “liệu cơm gắm mắm”, đôi khi muốn sáng tạo cũng đành… thôi.
Tại buổi tiệc cảm ơn của Em chưa 18 mới đây, đạo diễn Lê Thanh Sơn nhắc lại một giải thưởng mà Hãnh phim Chánh Phương treo cao khi phim này bấm máy. Đó là, nếu phim bán vé được 40 tỷ đồng thì hãng sẽ thưởng cho anh một chiếc mô-tô hạng sang, nhập khẩu từ Mỹ, hôm nay Lê Thanh Sơn đã chạy chiếc đó trên đường.
Nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho biết phần tiếp của Em chưa 18 là Em trên 18 đang rục rịch sản xuất, cũng do Kaity Nguyễn và Kiều Minh Tuấn đóng vai chính, Lê Thanh Sơn đạo diễn. Phim dự kiến sẽ công chiếu vào dịp 1/5/2018.
Như Hà
Tags