(Thethaovanhoa.vn) - ... thì cũng là điều bình thường. Bóng đá hết thịnh thì suy. Nhà ĐKVĐ V-League và Cúp quốc gia, CLB Hà Nội, hiện đang có 12 điểm (bằng với SLNA) sau 9 lượt trận, tạm thời xếp thứ 8 - vị trí cuối cùng của nhóm tranh chấp chức vô địch, nhưng cũng là vị trí đầu tiên có thể xuôi xuống nhóm trụ hạng.
Những ca chấn thương, sa sút phong độ của hàng loạt các trụ cột, là nguyên nhân khách quan. Xét ở khía cạnh, thì vẻ như cuộc cách mạng chưa triệt để ở hàng ghế lãnh đạo, cùng cảm giác bội thực danh hiệu, khiến đội bóng Thủ đô phải trải qua “thời kỳ quá độ”. Năng lực cạnh tranh của CLB Hà Nội, đã giảm thiểu đi nhiều, sau các kết quả nghèo nàn.
Trong 4 lượt trận còn lại của lượt đi, CLB Hà Nội lần lượt gặp Hải Phòng, CLB TP.HCM, Quảng Nam và Thanh Hóa. Ngoại trừ CLB TP.HCM có tham vọng bá vương, Thanh Hóa đang vươn lên mạnh mẽ, thì Hải Phòng và Quảng Nam đều không phải là đối thủ có thể xếp cùng mâm với thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm. Hải Phòng sau những động thái gần đây, thậm chí còn được dự báo là sẽ xuôi về giải hạng Nhất 2021.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. CLB Hà Nội đã không thể lấy được các điểm số tuyệt đối trong các trận đấu với những đội bóng có mối quan hệ hữu cơ là Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và SHB Đà Nẵng. Ngay tại Hàng Đẫy, họ thậm chí bị cả SLNA, Sài Gòn FC đánh bại. Phòng thay đồ của đội bóng đang có vấn đề, khi bản thân HLV Chu Đình Nghiêm cũng khó thể quán xuyến được nữa rồi.
Để đảm bảo về mặt hình ảnh, theo người viết, HLV người Thanh Hóa sẽ tiếp tục được giữ lại, ít nhất là sau lượt đi. Trận đấu với Hải Phòng vào chiều nay, CLB Hà Nội sẽ có điều mình cần là 3 điểm. Và họ sẽ hừng trở lại, sẽ không bị đẩy xuống nhóm 6 đội xếp cuối bảng, sau 13 lượt trận. Tuy nhiên, với thể thức thi đấu mới, khả năng bảo vệ ngôi vương của đội bóng này là rất thấp.
Điểm số sau lượt đi vẫn sẽ được giữ, và tốp 8 đội dẫn đầu tiếp tục thi đấu lượt về. Khi ấy, CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn, cùng Viettel và B.Bình Dương sẽ tạo được lợi dẫn đáng kể, trước 7 lượt trận cuối. Họ sẽ bứt đi và khó thể ngăn cản, khi giải đấu dồn toa, trong bối cảnh mà hàng loạt các trụ cột – những đương thời của CLB Hà Nội vẫn chưa hẹn ngày quay lại.
Với hệ thống đào tạo có chân rết rộng và sâu, cùng tiềm lực tài chính dồi dào, CLB Hà Nội từng có thời điểm chia sẻ rất nhiều các tinh binh cho những đội bóng vệ tinh, từ nội đến ngoại. Họ đã là đội bóng gần như không có điểm yếu, cho đến khi gót chân Achilles xuất hiện, ngay vào thời điểm quan trọng. Tinh thần là thứ rất rệu rã trong lòng Hàng Đẫy, ngoại trừ khán đài.
Trong 11 năm lên chơi ở giải đấu cao nhất Việt Nam, CLB Hà Nội chưa từng bật ra khỏi nhóm 4 đội dẫn đầu, kể cả mùa giải 2009, khi họ đã xếp đội sổ sau lượt đi. 10 năm gần nhất, mùa nào họ cũng có huy chương và đã có đến 5 chức vô địch V-League, để trở thành đội bóng giàu truyền thống nhất Việt Nam ở kỷ nguyên lên chuyên. Họ cũng là CLB Việt Nam đầu tiên lọt vào một trận chung kết Liên khu vực AFC Cup…
Song vẻ như thời hưng thịnh nhất đã qua rồi. “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”, lối chơi của CLB Hà Nội đã bị bắt bài ở mùa giải năm nay, mà họ không hay biết. Những dự báo về sự thống trị của đại diện Thủ đô tại hệ thống giải quốc nội thêm 3-5 năm nữa, vẻ như sẽ phá sản ngay ở mùa giải năm nay, nếu họ còn hão huyền, không thay đổi và không dám làm một cuộc cách mạng triệt để.
LS V-League 2020 sẽ chào đón vị vua mới? Rất có thể!
CCKM
Tags