Ngựa Xích Thố được xem như vũ khí đắc lực cho Quan Vũ trên chiến trường. Nếu không có nó, liệu mấy người có thể đánh bại danh tướng này?
"Loạn thế xuất anh hùng" là câu nói nổi tiếng có nhiều sự tương đồng với thời Tam Quốc. Đây là thời kỳ đầy hỗn loạn trong lịch sử, song cũng là thời thế có nhiều anh hùng, hào kiệt hiếm có trong thiên hạ. Bên cạnh các vị mưu sĩ, quân sư tài ba, thời kỳ này còn có nhiều võ tướng tài giỏi như Lã Bố, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân,...
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, sau cái chết của "chiến thần" Lã Bố, Quan Vũ trở thành một trong những võ tướng hàng đầu với loạt chiến công hiển hách như chém Nhan Lương, Văn Xú, qua 5 ải chém 6 tướng,... Để góp phần nên những chiến công này, ngựa Xích Thố của Quan Vũ có công rất lớn. Giả sử Quan Vũ không có Xích Thố, ắt hẳn sức chiến đấu của danh tướng này sẽ giảm đi nhiều. Vậy, ai có thể đánh bại Quan Vũ?
Đáp án là có 4 võ tướng sau đây.
Thứ nhất, Lã Bố
Lã Bố, tự Phụng Tiên, là võ tướng nổi tiếng vào cuối thời nhà Đông Hán. Lúc sinh thời, Lã Bố nổi tiếng trong thiên hạ là người có võ nghệ dũng mãnh, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Người đương thời có câu "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (tạm dịch là "Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố"). Câu nói này cho thấy tài năng hiếm có của Lã Bố, cũng như khả năng tuyệt vời của chiến mã Xích Thố.
Theo Tam Quốc diễn nghĩa, vào năm 190, khi 18 lộ chư hầu liên minh dưới sự tập hợp của Viên Thiệu để chinh phạt Đổng Trác, Lã Bố khi đó đã trở thành một nỗi khiếp sợ.
Tại Hổ Lao quan, chỉ trong vòng 5 hiệp, Lã Bố (lúc bấy giờ là tướng dưới quyền Đổng Trác) đã hạ sát được Phương Duyệt. Tiếp đó, Vũ An Quốc xông ra đại chiến, nhưng cũng chỉ cầm cự được chục hiệp thì đã bị Lã Bố đánh trọng thương. Công Tôn Toản tiếp tục xung phong ra ứng chiến nhưng cũng nhanh chóng buộc phải rút lui. Lã Bố khi đó thắng trận liên tiếp, có thể nói là bất khả chiến bại.
Sau đó, khi Lã Bố thúc ngựa đuổi theo Công Tôn Toản thì Trương Phi bất ngờ xông ra tỷ thí. Cả hai đã đại chiến 50 hiệp mà vẫn chưa phân thắng bại. Quan Vũ thấy vậy nên đã lao tới để tiếp ứng. Trương Phi, Quan Vũ đều là võ tướng sức địch vạn người, nhưng khi hợp sức đánh Lã Bố sau 30 hiệp mà vẫn không chiếm được ưu thế.
Cuối cùng, Lưu Bị cũng gia nhập vào trận chiến. Cả ba người hợp sức để đánh Lã Bố. Trận đánh này còn được gọi là "Tam anh chiến Lã Bố". Dưới sự công kích của ba huynh đệ này, Lã Bố tìm cơ hội công kích về phía Lưu Bị rồi thành công thừa cơ rút lui.
Từ trận đánh ở Hổ Lao quan, có thể thấy rằng nếu đơn đả độc đấu thì Quan Vũ không phải là đối thủ của Lã Bố. Thậm chí, ngay cả khi Lã Bố không cưỡi ngựa Xích Thố thì Quan Vũ cũng không thể thắng được.
Thứ hai, Triệu Vân
Triệu Vân, tự Tử Long, là danh tướng vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời Tam Quốc. Ông là vị tướng có võ nghệ dũng mãnh, mưu lược, hết lòng tận trung vì Thục Hán.
Trong 24 danh tướng thời Tam Quốc, Triệu Vân đứng thứ hai, chỉ sau Lã Bố. Một trong những ưu điểm lớn nhất của Triệu Vân là vị tướng có sức chịu đựng tốt và giỏi đánh những trận chiến kéo dài.
Cụ thể, vào năm 208, sau khi giao tranh với quân Tào Tháo tại Đương Dương, Trường Bản, phía Lưu Bị thua trận nên phải bỏ chạy về phía nam. Triệu Vân khi đó ra lệnh cho những người còn lại rút theo Lưu Bị, còn một mình ông xông pha trận địa của quân Tào để tìm gia quyến của Lưu Bị. Triệu Vân uy dũng vô song, đơn thương độc mã xông pha vào vòng vây của quân Tào để cứu A Đẩu, con trai của Lưu Bị.
Sau trận chiến này, có thể thấy khả năng chiến đấu tuyệt vời của Triệu Vân. Trên thực tế, Triệu Vân chưa từng giao đấu với Quan Vũ. Tuy nhiên, với sự linh hoạt cùng kinh nghiệm chiến đấu phong phú trên chiến trường, Triệu Vân có thể đơn đấu với Quan Vũ trong một thời gian dài. Trận chiến này có thể kéo dài hàng trăm hiệp và phần thắng có thể nghiêng về phía Triệu Vân.
Thứ ba, Nhan Lương
Nhan Lương là một vị tướng giỏi dưới trướng của Viên Thiệu trong thời Đông Hán và Tam Quốc. Vào năm 200, tại trận Bạch Mã, Nhan Lương đã liên tiếp chém các tướng Ngụy Tục, Tống Hiến, và đánh bại Từ Hoảng chỉ trong 20 hiệp. Điều này khiến cho các tướng lĩnh dưới trướng Tào Tháo phải khiếp sợ.
Sau đó, dưới lệnh của Tào Tháo, Quan Vũ đơn thương độc mã, cưỡi ngựa Xích Thố lao đến bất ngờ chém chết Nhan Lương lúc vị tướng này còn chưa kịp trở tay. Cách Quan Vũ giết Nhan Lương rất bất ngờ. Do đó, nếu hai người đơn đấu một cách công bằng, dù cưỡi Xích Thố nhưng Quan Vũ chỉ có thể cầm hòa Nhan Lương. Ngược lại, giả sử không cưỡi Xích Thố và đơn đấu công bằng, Quan Vũ có thể bị Nhan Lương đánh bại.
Thứ tư, Văn Xú
Văn Xú là tướng dưới trướng của Viên Thiệu, với khả năng chiến đấu chỉ đứng sau Nhan Lương. Theo Tam Quốc diễn nghĩa, tại trận Bạch Mã, sau khi Nhan Lương chết, Văn Xú cũng bất ngờ bị Quan Vũ chém chết. Khi đó, Văn Xú vừa giao chiến bắn tên đẩy lùi được với các tướng của Tào Tháo là Trương Liêu và Từ Hoảng. Mặc dù đánh bại được Trương Liêu, Từ Hoảng, nhưng sức lực lúc bấy giờ của Văn Xú cũng suy giảm.
Đúng lúc này, Quan Vũ lại dẫn hơn 10 kỵ binh bất ngờ xông đến giao chiến. Kết quả, chưa đầy 3 hiệp, Văn Xú túng thế phải quay ngựa bỏ chạy. Đáng tiếc ngựa chiến của Văn Xú lại quá chậm so với ngựa Xích Thố của Quan Vũ. Kết quả, Quan Vũ phi ngựa nhanh chóng đuổi kịp và chém chết Văn Xú.
Từ đây có thể thấy rằng bên cạnh lý do đã kiệt sức sau khi chiến đấu với Trương Liêu, Từ Hoảng, sở dĩ Văn Xú dễ dàng bị Quan Vũ giết chết là do ngựa của vị tướng này quá kém. Như vậy, giả sử không có Xích Thố và đơn đấu một cách công bằng với Văn Xú thì chưa chắc phần thắng đã nghiêng về phía Quan Vũ.
Bài viết tham khảo nguồn: Baidu, 163
Tags