(Thethaovanhoa.vn) - Nếu để chọn ra một cái tên tiêu biểu nhất trong lịch sử 15 năm của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì đấy hẳn phải là HA.GL, đội bóng được xem là lá cờ đầu của V-League trong cả lĩnh vực “kiếm tiền” cũng như “đốt tiền”.
Cách đây hơn 10 năm, ở giai đoạn sơ khai của V-League và khi mà HA.GL còn chưa thăng hạng V-League, bầu Đức đã tạo ra một cú địa chấn thực sự ở khu vực khi đưa về HA.GL tiền đạo Kiatisuk, ngôi sao bóng đá số một của Đông Nam Á, người vừa trở về từ CLB Huddersfield Town của Anh trước đấy không lâu.
“Đốt tiền” kiểu bầu Đức
Cùng với Kiatisuk, bầu Đức còn mang về sân Pleiku hàng loạt ngôi sao sáng giá khác của bóng đá Việt Nam như Hữu Đang, Minh Đức, Mạnh Dũng, Việt Thắng, Võ Văn Hạnh…, khiến HA.GL lúc ấy trở thành “Dream team” (đội bóng trong mơ) theo đúng nghĩa đen của từ này.
Công Phượng và các đồng đội đang tạo nên sức hút lớn tại V.League 2015. Ảnh: Tuân Phạm
Tất nhiên, để đưa ngần ấy ngôi sao tề tựu về một đội bóng tỉnh lẻ còn non trẻ và chưa có bất cứ thành tích nào nổi bật trong lịch sử bóng đá Việt Nam như HA.GL, phương pháp duy nhất của bầu Đức là chi ra nhiều tiền và thật nhiều tiền, nếu không sẽ chẳng người nào nhận lời về tận thành phố cao nguyên heo hút vắng vẻ như vậy để đá bóng.
Không chỉ tung tiền tấn để mua cầu thủ, bầu Đức còn là chủ nhân của những “sáng kiến” gây tranh cãi khác như lì xì 200 USD cho mỗi người trong tổ trọng tài bắt chính trận HA.GL – ĐT.LA ở Cúp QG năm 2003, và chỉ khi trọng tài Dương Mạnh Hùng từ chối không nhận tiền và tố cáo có người “ném 200 USD vào phòng ngủ” của anh thì vụ việc mới bị vỡ lở.
Với chính sách làm bóng đá kiểu rải tiền như vậy, bầu Đức đã mau chóng gặt hái thành quả với 2 chức vô địch V-League trong 2 năm liên tiếp 2003 và 2004, nhưng như là quy luật ở đời, cái gì đến dễ thì đi cũng dễ, đã 11 năm qua, bầu Đức chưa một lần được hưởng niềm vui trọn vẹn do HA.GL mang lại ở sân chơi chuyên nghiệp, cho dù đấy là V-League hay Cúp QG.
Đáng nói hơn, con đường mà bầu Đức đã đi trong giai đoạn sơ khai của V-League cũng chính là cái cách mà các ông bầu khác tham gia vào cuộc chơi ở giải bóng đá chuyên nghiệp, nghĩa là dùng tiền và thật nhiều tiền để mua sắm ngôi sao nhằm gặt hái danh hiệu trong thời gian ngắn nhất.
Tuy nhiên, như chúng ta đều thấy, cách làm bóng đá theo kiểu ngắt ngọn và đi tắt đón đầu như thế không thể tạo ra những giá trị lâu bền, hay nói nôm na là không một đội bóng nào có thể tạo thành đế chế ở V-League trong thời gian dài chỉ bằng cách vung tiền để mua sắm ngôi sao từ tứ xứ.
B.Bình Dương là một dẫn chứng như thế, khi đội bóng đất Thủ năm nào cũng chi ra cả trăm tỷ tiền chiêu mộ tinh binh, nhưng cũng phải chờ suốt 6 năm, từ năm 2008 tới năm 2014, mới được nếm trải cảm giác chiến thắng trong cuộc đua đường dài ở V-League.
Không giống như B.Bình Dương, rất nhiều ông bầu khác, trong đó có bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển, đã bắt tay vào làm bóng đá từ việc ươm mầm thế hệ trẻ, cách làm khó khăn hơn, vất vả hơn và mất thời gian hơn, nhưng sẽ cho kết quả bền vững hơn.
“Kiếm tiền” kiểu bầu Đức
Cách đây hơn chục năm, nếu bầu Đức là người tiên phong cho trào lưu dùng tiền tấn để làm bóng đá thì bây giờ, cũng chính bầu Đức lại là người tiên phong trong cuộc trở lại với những giá trị bền vững thông qua việc đầu tư vào tuyến trẻ qua mô hình Học viện với Arselnal và bắt đầu gặt hái thành công với lứa thứ nhất.
Mùa giải 2015, CLB HA.GL đã có nguồn thu đáng kể từ bán vé
Sau khi tạo ra một lứa cầu thủ tài năng để làm nòng cốt cho các ĐTQG trong tương lai gần, thì bằng việc tung lứa này vào sân chơi V-League, bầu Đức còn tạo nên cỗ máy kiếm tiền thực sự khi số thu hiện tại của đội bóng đạt gần 25 tỷ đồng, trong lúc chỉ chi khoảng 15 tỷ kinh phí cho cả mùa. Như vậy, bầu Đức có thể xem là người đầu tiên trong lịch sử V-League có thể kiếm tiền từ bóng đá bằng những nguồn thu truyền thống như quảng cáo, bán vật phẩm lưu niệm, bản quyền truyền hình, bán vé…
Trước đây và cả bây giờ, đội bóng nào được coi là kiếm tiền giỏi nhất ở V-League thì cũng chỉ có một nguồn thu duy nhất là bán vé, chẳng hạn như sân Lạch Tray thời kỳ đỉnh cao ở giai đoạn 2008-2010 thì doanh thu từ tiền vé dao động trong khoảng 10 tỷ tới 12 tỷ đồng/mùa bóng, còn để kiếm tiền ở những lĩnh vực khác như bán vật phẩm lưu niệm, tổ chức tour du lịch… thì HA.GL là trường hợp đầu tiên.
Cú áp phe thể thao thành công của bầu Đức còn tạo nên cả hiệu ứng cho bóng đá nội, khi mà HA.GL hiện tại đã trở thành hiện tượng truyền thông, khi mọi động thái bước đi của đội bóng này đều được chú ý kỹ lưỡng, và điều đáng nói là HA.GL không chỉ tạo được cơn sốt vé ở Pleiku mà còn gây nên tình trạng khan hiếm vé ở cả trên sân khách, vốn là điều hiếm thấy trong lịch sử V-League.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu đây chỉ đơn thuần là cú áp phe riêng của HA.GL với lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đang rất được người hâm mộ quan tâm nhờ dấu ấn tạo được trong quãng thời gian gần 2 năm khoác áo ĐT U19 Việt Nam, hay đấy chính là một cách kiếm tiền chuẩn mực cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam?
Có lẽ đó chỉ là chuyện riêng của bầu Đức, bởi ngay với số thu mùa này thì vẫn chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà ông đã bỏ ra để có lứa cầu thủ này. Cụ thể, để có thể cho ra đời Học viện HA.GL Arsenal JMG, HA.GL và đối tác Arsenal JMG đã góp 4,5 triệu USD để xây dựng học viện. Tính tổng cộng tất cả các loại chi phí thì trung bình mỗi năm một cầu thủ Học viện ngốn hết khoảng 400 triệu đồng, và sau 7 năm, con số này lên tới 2,8 tỷ đồng cho mỗi cầu thủ.
Xét trên thực tế mặt bằng bóng đá Việt Nam hiện nay thì chỉ có duy nhất bầu Đức mới “chơi sang” được như vậy, bởi không một ai khác ở V-League có đủ tiềm lực kinh tế để đi theo con đường này. Với cách đầu tư ưu việt hơn hẳn so với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam, việc bầu Đức đang được mát mặt nhờ lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HA.GL Arsenal JMG không khiến ai cảm thấy ngạc nhiên, chỉ có điều đấy không phải là cách làm mà số đông có thể học tập.
Phải chăng, với bóng đá Việt Nam, muốn kiếm được tiền từ bóng đá thì trước hết phải biết chi thật nhiều tiền?!
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags