Nga sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa máy bay 'dễ lẩn vào mây' An-2

Chủ nhật, 30/10/2016 10:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo tờ Izvestia ngày 28/10, Quân đội Việt Nam đang đàm phán với Viện nghiên cứu hàng không Sibir (SibNIA) của Nga về chương trình nâng cấp máy bay quân sự An-2.

Giám đốc tài chính SibNIA Igor Shubin cho biết nhân dịp 75 năm ngày thành lập Viện SibNIA, đại diện Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm đến tiềm năng hợp tác trong việc nâng cấp dòng máy bay An-2 mà hiện Việt Nam còn 40 chiếc.

Hiện phía Hà Nội đã gửi đề nghị về việc này cho Viện SibNIA, theo đó Nga sẽ nâng cấp đội máy bay An-2, vốn được cung cấp cho Việt Nam từ thời Liên Xô trước đây.

Máy bay được lắp động cơ mới do Nga sản xuất, nội thất và thiết bị điện tử mới, biến “lão tướng” từ thời chiến tranh thành những chiếc máy bay hiện đại, có khả năng tăng gấp đôi khoảng cách bay lên 3.000 km mà không cần tiếp liệu, tăng tốc độ và có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn.

Hiện hai bên đang xem xét khả năng hiện đại hóa một phần đội bay này bằng động cơ và thiết bị của Nga, song song với đào tạo kỹ thuật viên, sau đó sẽ chuyển các máy bay đã được lắp ráp cho Việt Nam. Thời hạn cụ thể hiện đang được bàn thảo.

An-2 sẽ được thay thế vỏ nhôm bằng loại vật liệu composite nhẹ hơn, động cơ piston cũ được thay bằng động cơ turbin gọn và mạnh, có thể lắp dưới phần mũi máy bay, nhờ đó tăng được cả lực nâng khí động học cho máy bay.

Hiện Việt Nam còn 40 chiếc An-2 được cung cấp từ những năm 1950-1960, và đã từng là “nỗi đau đầu” lớn đến mức Lầu Năm Góc phải điều máy bay đánh chặn đêm F-106 sang để đối phó, song cả F-106 và trực thăng của đối phương lúc đó đều không thể “đấu” lại được những chiếc An-2 nhỏ gọn, bay ít tiếng ồn và dễ lẩn vào mây.

Chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov cho biết việc hiện đại hóa loại máy bay này là một bước đi logic. Theo ông, An-2 là loại máy bay kết hợp được cả tốc độ, khả năng cơ động và tính năng cất hạ cánh tốt, đây là loại máy bay không thể thay thế trong điều kiện không có sân bay hoàn hảo, trong điều kiện phải cất hạ cánh ở vùng rừng núi.

Ông đánh giá sau khi hiện đại hóa An-2, Quân đội Việt Nam sẽ có được một loại máy bay gần như mới, có tiềm năng lớn song vẫn giữ được các tính năng độc đáo của An-2.

Theo ông Lavrov, trên thế giới hiện đang có xu hướng chế tạo các máy bay tấn công hạng nhẹ trên cơ sở máy bay dân sự, ví dụ gần đây nhất là máy bay AT-802 hay còn được mệnh danh là “máy kéo biết bay” đã được biến từ máy bay dùng cho nông nghiệp thành máy bay xung kích và được trang bị cho Không quân Yemen, Colombia, UAE.

“Các máy bay dùng động cơ turbin hạng nhẹ thường thích hợp cho hoạt động trong điều kiện xung đột nhỏ và vừa hơn là các máy bay phản lực hiện đại, chi phí vận hành chúng cũng thấp hơn,” ông nói.

Chuyên gia Trung tâm các dự án chiến lược Nga Anton Tsvetov giải thích, Nga vẫn là đối tác then chốt của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Ông đánh giá vũ khí và kỹ thuật mới của Nga vẫn có tầm quan trọng và việc hiện đại hóa các mẫu cũ, được cung cấp từ thời Liên Xô, cũng không kém phần quan trọng.

Ông Tsvetov cho hay Nga có những dự án rất mạnh tại Việt Nam trong lĩnh vực hiện đại hóa các cơ sở và kỹ thuật công nghiệp, Việt Nam luôn quan tâm đến khả năng sản xuất tại lãnh thổ của mình và chuyển giao công nghệ. Và Nga thì luôn đưa ra những đề nghị rất có lợi cho các đối tác về lĩnh vực này, trong đó có Việt Nam .

Tâm Hằng/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›