Không quá ồn ào, cũng chẳng góp mặt trong những bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến đình đám dẫu đã phát hành được hơn 1 tháng rưỡi, đó là trường hợp Ngã tư không đèn của Trang và Khoa Vũ những tuần trước.
Nhưng với tuần vừa qua thì mọi chuyện đã khác, khi MV bất ngờ xuất hiện ở cả 2 trong số các bảng xếp hạng âm nhạc được nhiều người biết đến: Đứng thứ 3 trong Top 10 BXH nhac.vn tuần 34 (từ 22 đến 29/8), đứng thứ 7 trong Top 10 BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs tuần 34 (từ 19 đến 25/8).
Trên YouTube cũng vậy, Ngã tư không đèn không vội vã, ào ạt đến với công chúng mà đến một cách từ từ. MV này ra mắt từ ngày 9/7 trên kênh Nhạc của Trang với 131 nghìn người đăng ký. Trải qua chừng 6 tuần, thời điểm này Ngã tư không đèn đạt con số không quá nhiều cũng chẳng quá ít: Hơn 3,4 triệu lượt xem.
Nhạc của Trang!
Tự nhiên, người viết có cảm giác tò mò và thấy hào hứng khi nhìn thấy cái tên kênh YouTube được đặt như vậy. Cách đặt tên khá lạ, có gì đó dân dã, gợi sự gần gũi, đồng thời cũng hàm chứa niềm kiêu hãnh về danh xưng của cái tôi trong âm nhạc.
Với người viết, Trang là một người mới. Có thể, tôi đã thuộc lứa trên nên không còn tiếp cận nhiều điều mới mẻ lẩn khuất đâu đó trong đời sống âm nhạc. Và vì thế mà tôi không biết nhiều về Trang, cho đến khi tiếp xúc Ngã tư không đèn - một cái tên ca khúc gợi sự tò mò, dẫn tôi đến với một kênh YouTube cũng có cái tên gợi sự tò mò.
Hình như chẳng phải riêng tôi, thông qua những bình luận để lại trên kênh YouTube, nhiều bạn cũng đến với Ngã tư không đèn một cách tình cờ. Như Sơn Nguyễn chia sẻ rằng "vô tình nghe được bài này trên Zing mà giờ nghe cuốn quá". Hay như Hailong Tran thì "vô tình thấy đoạn chorus trên top top (TikTok) xong phải tìm cả bài để nghe". Còn với tài khoản DUCK Nguyễn, "tình cờ tìm được bài này vào buổi tối, tự nhiên thấy người năng động hẳn, lâng lâng, vui vui".
Nhưng số người thích Trang từ lâu thì nhiều hơn. Họ nhắc tới những ca khúc của Trang trong quá khứ: "Nghe Trang từ thời Bụi hoa giấy. Nhạc rất lãng mạn, êm ả", tài khoản Dương Thành Nhân bình luận. Trung Sơn Nguyễn: "Thích nhạc của Trang từ lần đầu nghe bài Hôn anh". "Hồi trước mình hay cho bạn bè nghe Em tỉnh giấc khi ông trời còn đang ngủ, Thư cho anh, Bụi hoa giấy...", tài khoản Hải Nguyễn chia sẻ. Cũng tài khoản này còn cho biết: “Nhạc của chị (Trang) mình nghe không sót bài nào, nhưng hơi tiếc vì ít người biết quá”.
Không chỉ có thế, nhạc của Trang còn tạo nhiều dư vị cảm xúc cho người nghe. Angel Hoang viết: "Mình với Trang chắc trạc tuổi nhau... Có giai đoạn nhạc của Trang đã giúp mình vượt qua những giai đoạn khó khăn của cuộc sống". Trong khi, nói về cảm xúc Ngã tư không đèn mang lại, tài khoản K02 chia sẻ: "Nghe bài này mình có cảm giác rất lạ, có một chút hoài niệm về thời gian mình sống ở Hà Nội cách đây không lâu". Còn với tài khoản Linh Chill thì ca khúc “như một câu chuyện bình dị của nhiều cặp đôi vậy” chứ “không màu mè hoa mỹ”.
Ngã tư không đèn là một ca khúc hướng tới nhóm đối tượng khán giả trẻ, nhưng là lứa trẻ đã có những va vấp, đã có những trưởng thành nhất định trong cuộc sống, công việc và tình cảm. |
Nghe được gì?
Về âm nhạc, cảm giác tổng thể có được ở Ngã tư không đèn là rất chill. Làm ra bài nhạc này không quá phức tạp, bởi âm nhạc không bị lạm dụng bởi nhạc điện tử mà được thực hiện theo kiểu acoustic. Nói cách khác, về hòa âm, làm bài này cũng không khó vì biên chế dàn nhạc ít và cũng vì chơi toàn nhạc cụ acoustic. Cái khó ở đây: Dù làm đơn giản, nhưng phải tạo được hiệu quả hút người nghe. Và nhạc sĩ đảm nhận phần hòa âm đã hoàn thành nhiệm vụ này.
Ngã tư không đèn mang phong cách kiểu bossanova Pháp, âm thanh sạch sẽ vui tươi hồn nhiên vô tư. Cách đánh bài cũng rất học thuật. Đáng chú ý, bass chơi hay, trống jazz chơi cũng rất sạch sẽ và tròn trịa, điểm nhấn ở phần guitar khá chill, làm cho bài tăng chất hồn nhiên “tưng tửng” và cả đoạn guitar mute ở phần điệp khúc cũng rất có điểm nhấn.
Về ca từ, bài hát này mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe. Cái đắt nhất ở đây là ý nghĩa ẩn dụ ở trong ca từ và ở cái tứ Ngã tư không đèn. Giống như những ngã tư đường - hình ảnh quen thuộc ta có thể gặp hàng ngày -nó vừa xuất hiện như một lẽ tự nhiên, vừa có quy luật theo trật tự màu đèn đỏ vàng xanh. Nhưng ngã tư ở đây không có đèn, không có quy luật bắt con người ta phải tuân theo. Vì thế đi tiếp hay dừng lại, đi theo lối nào đều phụ thuộc vào quyết định của mỗi người - dù nhiều khi để đưa ra một quyết định cũng thực sự không hề dễ dàng.
Ngã tư không đèn giốngnhư sự chơi vơi, lưỡng lự của nhân vật được diễn tả trong ca khúc. Nó tạo được đồng cảm cho người nghe, bởi ai trong số chúng ta, nhất là những người trẻ, đều đã gặp cảm xúc này trong cuộc đời. Cũng vì thế, câu hát được khán giả nhớ nhất trong bài này là “Chẳng thể biết ta nên dừng lại hay đi tiếp”. Như vậy rõ ràng, Ngã tư không đèn là một ca khúc hướng tới nhóm đối tượng khán giả trẻ, nhưng là lứa trẻ đã có những va vấp, đã có những trưởng thành nhất định trong cuộc sống, công việc và tình cảm.
MV "Ngã tư không đèn":
Ngã tư không đèn vì thế còn tạo niềm hứng khởi cho nhiều khán giả. Có những người còn nhìn thấy những góc trong tâm hồn mình trong ca từ, để rồi họ giãi bày như một nhà bình luận. Khán giả Huyền Trân chia sẻ: "Trong giây phút ngắn ngủi nào đấy, người ta như nhìn lại đâu đó câu chuyện của chính mình: "Chẳng thể biết ta nên dừng lại hay đi tiếp" - một câu chuyện hầu hết đều từng thoáng lên trong suy nghĩ của người trẻ yêu". Tài khoản haihung nguyen thì cho rằng: "Có lẽ sự tương thông giữa bài hát và chuyện của riêng mình đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt. Đôi lúc cũng nghĩ, chuyện của mình như “ngã tư không đèn”, “người lại qua”, người qua lại. Chuyện của mình cũng như bao chuyện của người khác, không đặc biệt, cũng không nổi bật, chẳng thể làm người khác ngoái lại nhìn một cái".
"Tình yêu ta cứ như ngã tư không đèn, người lại qua, chẳng thể biết ta nên dừng lại hay đi tiếp" và "Cứ như thói quen, ta thường nhìn nhau trong nghi vấn. Tình yêu sao cứ như ngã tư không đèn, chẳng ai hay, thế nên chúng ta thôi đừng bàn chuyện tương lai, cứ vui với nhau bây giờ cũng đâu có sai”. Đó là những ca từ được nhiều khán giả chú ý nhất trong bài.
Cũng phải nói thêm, không chỉ ca từ, hình ảnh trong MV dù thực hiện với bối cảnh không phức tạp nhưng cũng có ý tứ và ẩn chứa những thông điệp riêng. Chẳng hạn, có hình ảnh khi diễn viên nam đang nhìn diễn viên nữ, người nữ quay lại nhìn thì người nam lại quay đầu đi.
- Nhạc Việt ngày nay: Điều giản dị của tuổi 22
- Nhạc Việt ngày nay: 'Chân mây' ở đâu?
- Nhạc Việt ngày nay: Có gì trong 'Ngày đầu tiên'?
Hãy cứ đi
Trang không chỉ có một bài. Tính cho tới thời điểm hiện tại nữ ca sĩ, nhạc sĩ này có khá nhiều tác phẩm đã ra mắt. Với ca khúc Ngã tư không đèn, đây là một bài nằm trong album số 2 của Trang mang tên Chỉ có thể là anh. Trước đó, album số 1 của Trang mang tên Tỉnh giấc khi ông trời đang ngủ phát hành vào năm 2019. Như vậy trong "vệt" sáng tác mới ra mắt của Trang không chỉ có một tác phẩm. Đó là tin vui cho khán giả của nữ ca sĩ, nhạc sĩ trẻ này.
Về album số 2 Chỉ có thể là anh, Trang từng chia sẻ nó được thực hiện trong khoảng thời gian “chữa lành”, sau những tổn thương và mất dần niềm tin vào tình yêu, cũng như vào chính mình. Không chỉ có thế, album Chỉ có thể là anh được phát hành, MV Ngã tư không đèn được ra mắt công chúng cho thấy hành trình âm nhạc đang mở ra với Trang trong tư cách một singer-songwriter tự hát và sản xuất nhạc.
Ở góc độ khác, Trang cũng là tác giả, là nhân vật đứng sau nhiều bản hit của nhiều ca sĩ nổi tiếng trong giới trẻ hiện nay. Trang tên đầy đủ là Ngô Minh Trang, sinh năm 1996 tại Hà Nội. Cô là một ca sĩ, nhạc sĩ được biết đến trên mạng xã hội trong những năm qua. Với những gì mà Trang đang thể hiện, có thể thấy cô bước đi ngày một vững chắc trên con đường âm nhạc mang những nét riêng của mình. Người viết nghĩ rằng, đời sống nhạc đại chúng dành cho giới trẻ cần nhiều những gương mặt như Trang.
Ê-kíp “Ngã tư không đèn” Songwriting: Nhạc của Trang Arranging: Khoa Vu Recording: Nhạc của Trang Mixing & Mastering: Nhạc của Trang Director: David The AD: Bao Chau Nguyen Creative: Trang & David The |
Điểm 7,5 |
Nguyễn Quang Long
Tags