(Thethaovanhoa.vn) - NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book vừa ấn hành tiểu thuyết Hát của Trần Nhã Thụy. Đây là tiểu thuyết thứ hai sau Sự trở lại của vết xước của anh. Hát đem lại cho người đọc nhiều ngạc nhiên, thú vị.
Hát (ảnh) dày gần 300 trang in, được Trần Nhã Thụy viết trong hơn sáu năm từ 2008 – 2014. Với những người biết Trần Nhã Thụy, thông tin anh bỏ ra hơn sáu năm để viết tiểu thuyết này thật đáng ngạc nhiên. Vì Trần Nhã Thụy không chỉ sống bằng công việc viết tiểu thuyết. Hàng ngày Trần Nhã Thụy viết báo, viết tản văn, viết truyện ngắn và viết kịch bản phim. Nói chung, viết tiểu thuyết chỉ là một phần việc của nhà văn này nhưng lại “đeo bám” anh rất bền bỉ.
Ngạc nhiên thứ hai, khi Hát chứng minh kiến thức về âm nhạc của nhà văn. Tất nhiên, đây là tiểu thuyết chứ không phải là sách “khảo luận” về âm nhạc, nhưng thông qua đó để thấy tác giả là người “mê hát” như thế nào. Chẳng hạn, “lễ mở xiêm áo” trong hát ca trù là như thế nào? Trần Nhã Thụy cất công nghiên cứu: “Các đào nương sau một thời gian học hỏi, sẽ trải qua một buổi ra mắt, gọi là Lễ mở xiêm áo. Buổi lễ này do chính gia đình đào nương tổ chức, tương tự như một buổi tiệc, có sự tham dự, thẩm định của các bậc lão làng trong làng ca trù. Đây cũng có thể xem là kỳ thi để đào nương chính thức được “mặc áo nhà nghề” hay “cấp bằng hành nghề” ca trù.
Hát hẳn nhiên là một nhu cầu của con người. Nhân vật Lý trong Hát hát đủ loại nhạc, hát chỉ để hát thôi: “Lý hát nhạc Anh. Lý hát nhạc Việt. Lý hát nhạc vàng. Lý hát nhạc đỏ. Lý hát nhạc sến. Lý hát nhạc sang. Lý hát nhạc trẻ. Lý hát nhạc chế. Từ ngày này qua ngày khác, Lý hát. Nhưng sao thấy bài hát nào cũng tầm thường? Sao chẳng thấy có bài hát nào có thể làm cho con người ta hồi sinh? Sao chẳng thấy bài hát nào như là liều thuốc bổ? Sao toàn tầm thường? Sao chẳng có bài hát nào dành cho người đang chết? Sao chẳng có bài hát nào làm cho người sắp chết sống lại?”.
Vậy con người ta không còn nghe hát nữa lúc nào? Hẳn nhiên, khi người ta chết đi mới không còn nghe hát. Theo Hát, khi mọi giác quan đều chết, thì thính giác sẽ chết sau cùng. Nếu thật vậy, chúng ta nên đến bên người sắp chết và hát cho họ nghe.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, nhận xét: “Cuốn sách là một sân khấu lớn của những tiếng hát. Các nhân vật đều hát, hoặc đều làm cái việc mà họ nghĩ là hát. Và họ đều nói về hát. Nhưng bạn chớ ngây thơ để tin rằng đây là một nghiên cứu về âm nhạc của Trần Nhã Thụy, cho dẫu tác giả hoàn toàn nghiêm túc trong mục đích đó, trước hết cho mình. Đây là một tiểu thuyết. Một khảo nghiệm nghệ thuật về cách thế tồn tại của con người trong tan rã, hoang hoải. Liệu có thể không: “Có bao nhiêu nát tan/ Đội lên đầu mà hát” – thơ Hoàng Hưng?”.
Và ngạc nhiên sau cùng, chỉ có mỗi việc hát mà cũng trở thành tiểu thuyết ư?!
Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Tags