Ngắm 14 cuốn sách quý hiếm xuất bản trước 1945

Thứ Sáu, 08/09/2017 19:28 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 8 - 10/9 tại Đường sách TP.HCM, Quán sách Mùa Thu phối hợp với các nhà sưu tập sách triển lãm những cuốn sách quý hiếm được xuất bản trước 1945.

Triển lãm mang tên Về chốn thư hiên trưng bày 14 cuốn sách quý thuộc bộ sưu tập của Quán sách Mùa Thu và những người bạn. Trong đó có những cuốn sách được giới chuyên môn và các nhà sưu tập đánh giá rất cao, nổi bật như cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân do nhà in Tân Dân – Hà Nội xuất bản lần đầu năm 1940. Đáng chú ý, tác phẩm Vang bóng một thời được trưng bày tại triển lãm lần này là ấn bản đặc biệt có chữ ký của tác giả kèm thủ bút, cùng với 5 phụ bản tranh khắc gỗ đẹp mắt của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.

Chú thích ảnh
Trang trong Kim Vân Kiều tân truyện của Abel des michels, xuất bản năm 1884-1885 tại Pháp

Bên cạnh đó phải kể đến bộ ấn phẩm Kim Vân Kiều tân truyện, được xuất bản vào những năm 1884 – 1885. Bộ sách gồm ba cuốn của nhà Đông phương học người Pháp Albel Des Michels, trong đó có hai cuốn song ngữ Việt – Pháp và một cuốn chữ Nôm. Có thể nói bản tiếng Pháp của Kim Vân Kiều tân truyện, do Abel des Michels dịch, Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1884 đã đánh dấu lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du được bước ra khỏi không gian văn hóa Việt Nam. Từ đó đến nay đã hơn 130 năm trôi qua, trong bề dày của lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều, sự kiện vẫn là một cột mốc đáng chú ý.

Chú thích ảnh
Chơi giữa mùa trăng, di cảo của Hàn Mặc Tử, Ngày Mới xuất bản năm 1944

14 cuốn sách quý hiếm, gồm:  Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Tân Dân xuất bản năm 1940; Quê Hương của Nguyễn Tuân, Anh Hoa xuất bản năm 1940, bản đặc biệt có thủ bút và chữ ký của tác giả; Kim Vân Kiều tân truyện của Abel des michels, xuất bản năm 1884-1885; Trọn bộ 18 số Thông Loại Khóa Trình, chủ bút: Trương Vĩnh Ký, xuất bản 1888-1889; Lều chõng của Ngô Tất Tố, Mai Lĩnh xuất bản năm 1941, bản đặc biệt có thủ bút và chữ ký của tác giả; Nhà Nho của Chu Thiên, Á Châu xuất bản năm 1943; Bút nghiên của Chu Thiên, Hàn Thuyên xuất bản năm 1942.

Chú thích ảnh
Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân in năm 1940

Nằm vạ của Bùi Hiển, Đời nay xuất bản năm 1942, bản đặc biệt có thủ bút chữ ký của tác giả tặng nhà văn Vũ Ngọc Phan; Chơi giữa mùa trăng, di cảo của Hàn Mặc Tử, Ngày Mới xuất bản năm 1944; Vàng sao của Chế Lan Viên, Tân Việt xuất bản năm 1942; Trường ca của Xuân Diệu, Thời Đại xuất bản năm 1945; Khảo luận về Kim Vân Kiều của Đào Duy Anh, Quan Hải Tùng Thư xuất bản năm 1943; Việt Nam Văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Quan Hải Tùng Thư xuất bản năm 1938; Nhơn tình ấm lạnh của Hồ Biểu Chánh, Thạch Thị Mâu xuất bản năm 1928.

Được biết, theo dự kiến ban đầu triển lãm trưng bày 15 cuốn sách quý hiếm, trong đó có cuốn Ngồi tù khám lớn của tác giả Phan Văn Hùm do nhà in Bảo Tồn xuất bản năm 1929 với bản in thượng hạng. Nhưng giờ chót không thấy cuốn sách này xuất hiện cho người xem thưởng lãm.

Chú thích ảnh
Nằm vạ của Bùi Hiển, Đời nay xuất bản năm 1942, bản đặc biệt có thủ bút chữ ký của tác giả tặng nhà văn Vũ Ngọc Phan. Ấn bản này sẽ được bán đấu giá gây quỹ thành lập thư viện mang tên cụ Nguyễn An Ninh

Vào lúc 10g ngày Chủ nhật 10/9, Hội Xuất bản Việt Nam và Quán sách Mùa Thu tổ chức đấu giá các cuốn sách, bao gồm: Xã hội Việt Nam qua bút ký của người nước ngoài (Tác giả Lê Nguyễn), Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 (tác giả Lê Tiến Công), Kẻ trộm sách (Tác giả M. Zusak, Cao Xuân Việt Khương dịch), Người xa lạ (Tác giả Albert Camus, Thanh Thư dịch). Tất cả đều có thủ bút và lời đề tặng của tác giả hoặc dịch giả.

Sách quý nhờ chữ ký...

Sách quý nhờ chữ ký...

Chơi sách cổ/cũ từ lâu đã trở thành thú vui của nhiều người. Rất nhiều cuốn sách cổ có giá trị nhờ lớp bụi thời gian phủ lên nó. Tuy nhiên, những bản sách cũ càng tăng giá nếu có thêm chữ ký của những người danh tiếng.

Đặc biệt là đấu giá tác phẩm Nằm vạ của Tác giả Bùi Hiển, do NXB Đời Nay ấn hành năm 1941 từng đạt giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn. Sách là bản đặc biệt đánh số III, in trên giấy dó lụa, có thủ bút - chữ ký của tác giả tặng nhà văn Vũ Ngọc Phan. Điều thú vị còn ở việc tác giả tự tay sửa các lỗi chính tả in trong sách. Toàn bộ số tiền đấu giá được sẽ quyên góp cho quỹ Hoa Sen thành lập “Thư viện Nguyễn An Ninh”. Việc thành lập thư viện này sẽ tạo điều kiện thiết thực để các nhà nghiên cứu tiếp cận được các tài liệu gốc của cụ Nguyễn An Ninh.

T.Kiều

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›