(Thethaovanhoa.vn) - Vào những ngày cuối cùng trong năm lại hay nhớ về quê. Nơi ấy mình lớn lên với nhiều kỷ niệm. Lúc còn ở nhà, thời điểm này rét so so nhưng cả ngày vác rổ ra đồng đi hôi cá, tát vét ao chuôm. Tự nhiên nhớ ra, có những cái trên quê hương giờ đang mất dần đi.
Ờ, đúng rồi, có một từ của đồng quê bây giờ đã mất, đó là từ “đủng”. Đủng là một vùng nước sâu to rộng không bằng ao, chỉ từ vài chục đến vài trăm mét vuông. Nông thôn xưa, nhà nào cũng thường có ao thả cá. Ao rộng vài sào (từ vài ba trăm đến ngàn mét vuông). Đủng nhỏ hơn nhiều, phần nhiều chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba ao.
Ao là của gia đình, còn đủng thì không ai quản. Đủng là vũng nước thông, có ngòi nước chảy vào và có đường nước thoát ra. Đủng thường là chỗ phình ra bất ngờ của dòng mương, do bị chặn dòng, nước xoáy mà thành.
Đủng luôn nhiều loại cá tạp, từ rô, trê, giếc, đến cua, tép, cá mài mại, đòng đong cá cờ…
Loại thứ hai là “chuôm”. Chuôm là vũng nhỏ người ta khơi ở góc ruộng, dưới bụi mua, sâu chừng ba, bốn mươi phân nước, vứt xuống đó vài cành giong cốt để con tôm, con tép có chỗ tựa và trú ngụ. Thỉnh thoảng người ta tát chuôm nhặt mớ tép cải thiện bữa ăn. Những ngày nắng Hè thì cua cá hay tìm vào chuôm trú ngụ vì nước sâu đỡ nóng hơn nước mặt ruộng.
Cũng như đủng, chuôm giờ cũng biến mất. Đủng mất vì tận dụng khai thác đất, nó trở nên có chủ sở hữu. Chuôm không còn vì ruộng giờ chẳng còn bờ. Bây giờ cũng chẳng còn cua, tép khi thuốc trừ sâu đã làm ngộ độc cả cánh đồng. Chuôm mất, thì tên nó người ta cũng quên dần.
Đủng, chuôm và mương nước tự nhiên ngày xưa là ba cái “tủ” chứa thức ăn cho làng xóm. Mương cho đều con hến con cua. Chuôm đủng thì con cá, con chạch.
Mùa này không mưa, nước cạn dần lại vào Đông nên con giếc, con rô đều béo. Chúng tích mỡ để chống lại giá rét. Mùa này tát ao chuôm xong thì vét bùn lên bờ tóm nốt những chú chạch béo nẫn còn lẩn dưới bùn hoa. Còn bùn thì vun lên bờ cho khô ải làm phân bón gốc chanh rất tốt.
Khi xưa, con người sống nương vào thiên nhiên, tưởng là yếm thế, nhưng hóa ra lúc ấy chính là sống hợp quy luật. Ngày nay trời chẳng cho gì nữa vì con người tham quá, đào khoét thiên nhiên, tận dụng đất cát sông ngòi và bây giờ có nhiều cái thiên nhiên không làm cho nữa, mà người phải nhân tạo nuôi trồng…Cái thời “cải tạo thiên nhiên” hóa là ngộ nhận. Thiên nhiên chẳng có mồm để tranh biện, nhưng trả lời bằng ngay sự vận hành trời đất. Khi con người nhận ra thì quá muộn.
Mấy hôm nữa tôi sẽ về quê trong mấy ngày nghỉ bước sang năm mới, sẽ đi chơi nhưng tôi chắc không còn được xem cái cảnh hôi cá đầm hay tát vét cuối năm nữa. Cảnh ấy qua lâu rồi, và từ ngữ chỉ những công việc ấy cũng đã mòn mất và quên dần trong đời sống rồi. Cuộc sống có nhiều cái mới thay thế, nhưng nhắc lại câu chuyện xưa về những cái mất đi vẫn không thể không cảm thấy bùi ngùi…
Bài và minh họa: ĐỖ ĐỨC (họa sĩ)
Tags