Ngẫm ngợi cuối tuần: Cải cách

Thứ Bảy, 28/06/2014 08:03 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Cải cách là câu chuyện muôn đời khi cuộc sống người ta cảm thấy có sự trì trệ. Cải cách thường là cố gắng mang lại cái mới có hiệu quả khi nó thay đổi cái cũ sang một cái mới sau khi cân nhắc kỹ lưỡng là nó hay hơn, tiến bộ hơn.

Hai chữ cải cách nghe to tát, nhưng thực ra nó chỉ là sự thay đổi. Mà thay đổi thì đương nhiên vì đó là quy luật. Người xưa tổng kết cải cách bằng ba chữ “cùng tắc biến”. Ở ta cũng từng có những cải cách xảy ra. To mang tầm quốc gia như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản tư doanh ở miền Bắc và miền Nam sau những thay đổi chế độ xã hội… Bé hơn thì như cải cách giáo dục đã từng xảy ra nhiều lần. Lần thì cải cách chữ viết, lần thì cải cách giáo khoa, và giờ đang lo cải cách toàn diện với dự án 34 nghìn tỷ do ông vụ trưởng nào đó viết vào miếng giấy đưa lên ông thứ trưởng trong lúc ông họp, làm ông bộ trưởng phải thanh minh suốt mà không ai tin là thật.

Với những cá nhân cũng ngấm ngầm có những “cải cách”. Trước đây từ quần ống sớ, chuyển sang ống bó, rồi loe. Cái quần ống loe tóc dài chả hại đến ai, nhưng lại gây bức xúc nhất cho mấy anh quản lý xã hôi. Một thời, thanh niên cờ đỏ và công an từng đặt trạm kiểm soát trên đường, mang kéo ra rạch quần ống loe, mang tông-đơ rũi tóc cho nham nhở ra rồi thả cho về nhà đi hiệu cắt tóc lại cho “ngay ngắn con người”, vì những thanh niên đó bị cho là có lối sống càn quấy, không hợp với “thuần phong mỹ tục”. Cuối cùng là đến quần ống đứng trung dung thì không thấy ai động đến nữa. Tất cả những cải cách đó đã qua, giờ nhìn lại thấy như ném đá ao bèo, chả ai bàn đến ăn mặc. Bây giờ mọi thứ đó là “mốt”.

Tóc tai ngày nay từ phim Hàn quốc có màu vàng rơm đi vào đời sống lứa trẻ, có lúc đã vàng ươm như rơm vụ lúa tháng Mười. Giờ thì không vàng đều  nữa, nhưng bên cạnh húi trọc cạo bóng, cắt cua và cắt xanh thì chen vào giữa hàng là chục kiểu lạ xuất hiện: trắng hai mái, bạt phong, mào gà, có cả kiểu “đống phân trâu” chình ình trên đầu một số ca sĩ được phơi trên truyền hình. Đó là nhưng cải cách mang tính cá nhân nhưng nằm trong một trào lưu xã hôi là muốn khác đi, đẹp xấu không còn là quan trọng.

2. Cũng chưa có một cuộc rút kinh nghiệm nào thực sự nghiêm túc để tìm ra những bài học  kinh nghiệm được và mất trong các cải cách xã hội. Người ta hay đổ cho khách quan để trốn tội, hoặc bằng một cái lý luận an toàn “có làm có sai”. Rằng đúng thì khen, phát huy, sai thì rút kinh nghiệm sâu sắc… rồi… hòa cả làng.

Nhưng được mất sau một thay đổi thì xã hội đều thấy cả, chỉ có điều người làm cải cách có nhận hay không thôi. Chẳng hạn, cải cách chữ viết, cải cách sách giáo khoa, cải cách chương trình dạy và học là cái loay hoay bao nhiêu năm nay của bộ giáo dục với việc thay bao nhiêu bộ trưởng, nhưng rối vẫn hoàn rối…

Mới đây ở Tây Hồ có một  “cải cách” nhỏ của ngành trật tự đường phố: dãy xe máy của khách hàng trước xếp sát mép vỉa hè phía ngoài đường, quy định đầu không được quay ra ngoài đường. Để không đúng thì  phạt. Tưởng thế đã nhiêu khê. Nhưng cải cách  mới toanh bây giờ mới oách: xe máy tiến vào sát mặt nhà, đầu quay vào trong, bịt luôn mặt nhà hàng!

Nhân dịp cúp bóng đá thế giới, các đội bóng đang sôi nổi tranh hùng, dân ghiền bóng đá phát hiện ra sáng kiến cải cách này là lối đổ “bê tông kiểu Italy”. Italy đổ bê tông năm xưa từng giành chiến thắng, giờ trật tự đường phố áp dụng đổ bê tông cho các nhà hàng. Bằng quy định mới này thì chắc chắn trật tự đường phố thắng to, nhà hàng thất bại là cái chắc! Ôi, cải cách!

Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›