Đồ dùng cũng như như ngôn ngữ hàng ngày, sinh ra theo nhu cầu rồi cũng mất dần theo thời gian khi nhu cầu không còn nữa. Cây chổi rơm trong nhà là một ví dụ.
Chổi rơm hay còn gọi chổi lúa làm bằng rơm nếp. Rơm nếp cứng và dai rất thích hợp bện chổi. Những năm sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, 3 tháng Hè về quê, tôi giúp ông nội nhặt rơm bện chổi và hí hoáy học bện theo ông. Hí hoáy mãi rồi cũng ra cái chổi. Tay yếu, bện không chặt, nhưng bện xong vẫn đóng nhói cuống chổi vẫn cứng cáp, dù chổi chưa đẹp nhưng vẫn dùng được.
Dùng khúc tre già hoặc gỗ xoan to tầm cán khăng, đẽo vát một đầu, dài chừng non gang tay, đóng suốt từ đầu cuống chổi xuyên xuống làm cốt, cho nó căng ra. Cuống chổi là chỗ tay cầm. Chổi ông nội bện đẹp như tác phẩm nghệ thuật, tôi học bện mãi mà không theo được.
Rơm bện chổi lấy từ lúa cốm xanh ngọc bích rất đẹp. Chổi ấy mới tốt vì rơm không bị dập nát dùng được lâu. Có cái mòn vẹt như lưỡi rìu nhỏ mà vẫn chưa phải bỏ đi vì cuống chổi chưa bung.
Câu đố "Cả nhà có bà hay la liếm" là câu đố về cái chổi đấy. Tôi nhớ những cái chổi tuyệt đẹp ông làm chỉ giữ dùng trong nhà. Chổi rơm quét nhà rất sạch bụi đất. Sau này từ trên núi phát sinh ra cây chổi chít cán dài, tiện hơn thay thế dần chổi lúa. Chổi chít đứng dõng lưng cũng quét được. Tiện lắm, quét nhà không mỏi. Lưỡi chổi lại mềm mại, lùa được từng hạt bụi nhỏ, mọi người ưa dùng nên chổi chít dần dần thay thế chổi lúa. Cây chổi lúa nhỏ dùng quét bụi bàn thờ nay chổi chít cũng dần tranh mất chỗ. Một cuộc đấu tranh thầm lặng giữa bông chít trên rừng và rơm nếp dưới ruộng, cuối cùng rừng núi đã thắng! Chổi chít khuynh loát, chổi lúa gần như biến mất trong các gia đình.
Nhưng rồi không lâu, chổi chít lại bị chèn ép bằng chổi sợi polymer Chổi làm bằng sợi nilon nhỏ mềm, đàn hồi tốt, quét nước sàm sạp mà lưỡi chổi không bết, không quăn, lại bền hơn mấy lần chổi chít. Không biết cây chổi bằng sợi nilon này rồi đây có vật liệu gì khác tranh giành nổi với nó không. Còn hiện nay nó đắc dụng..
Riêng chổi quét đường bằng nan tre đực già vót tròn cứng cáp thì nó khá tự tin. Hiện chưa có đối thủ đe dọa. Quét đường thì chỉ chổi nan tre già mới đủ sức nặng dồn lá cây thành đống, thì có vẻ sợi nilon mềm oặt chưa tranh giành được. Nên chổi nan tre vẫn sống dai cùng bài "Tiếng chổi tre" bất hủ của nhà thơ Tố Hữu: "Tiếng chổi tre/ Xao xác/ Hàng me"…
Tags