Ngẫm ngợi cuối tuần: Giữ lửa

Thứ Bảy, 03/08/2024 08:00 GMT+7

Google News

Người nguyên thủy lấy lửa bằng cách đập hai hòn đá vào nhau cho tia lửa bén vào bùi nhùi. Có lửa là một cuộc cách mạng vô cùng lớn thay đổi cuộc sống con người. Lửa bảo vệ con người. Thế nhưng giữ lửa như thế nào lại là một câu chuyện khác.

Ai cũng biết, sau này, người ta đã tìm ra đá lửa, chế ra bật lửa, rất tiện lợi để dùng. Rồi cận đại người ta chế ra diêm. Tiện ích vô cùng. Nhưng trước đây việc tứ thời giữ được ngọn lửa trong nhà không phải là chuyện dễ dàng gì.

Đúng là có nước là có sự sống, nhưng để bảo đảm cho cuộc sống thì không thể thiếu lửa. Lửa giữ ấm mùa Đông, có lửa thì thức ăn mới được nấu chín. Có nước phải có lửa mới có cân bằng âm dương. Cuộc sống được bảo đảm. Nước thì trong giếng hoặc đựng trong chum vại. Còn lửa muốn cất giữ thì sao?

***

Ngày trước miền núi nhà nào cũng có bếp giữa nhà, có một hai gộc củi to chụm dưới chân kiềng cho than hồng quanh năm. Bếp lúc nào cũng sẵn sàng nổi lửa.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Giữ lửa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: fuelcellmaterials.com

Nhưng củi gộc chỉ có ở miền núi. Miền xuôi đun nấu bằng rạ. Rạ cháy ra tro thì làm sao giữ lửa? Mà lửa đun nấu thì ngày nào cũng cần. Cất lửa ở đèn nhưng dầu cũng không sẵn, cũng có lúc hết tìm đâu không ra. Cuối cùng, người miền xuôi nghĩ ra cách lấy rơm bện cái nùn giữ lửa. Nùn rơm giữ lửa phải người tay khỏe mới bện được. Bện cái nùn phải chắc, chặt như khúc củi, thế mới cháy chậm, giữ lửa được lâu. Có nhà bện nùn rơm bện dài hàng mét, giữ lửa được dăm bảy ngày.

Giữ lửa trong bếp là chuyện của mỗi nhà. Để nùn tắt, bếp nguội thì việc tối kị cũng phải làm là sang hàng xóm xin lửa. Cho lửa là chuyện bất đắc dĩ. Là chủ nhà mất đi may mắn. Người đời vẫn quan niệm cho lửa mất lộc, mất vận đỏ. Nên chuyện xin lửa là chuyện muối mặt.

Dân miền núi coi lửa còn hệ trọng hơn, linh thiêng hơn. Lửa với họ là thần giữ nhà, thần canh trộm. Thần ngự ở bếp. Tranh Thần bếp giữ nhà của người Giáy là ông mặt đỏ, râu đỏ oai phong.

Người Kinh có tích ba ông đầu rau. Chuyện Táo quân là chuyện vua bếp của người Kinh trở nên quen thuộc với mọi nhà. Ngày 23 tháng Chạp, Táo quân về trời để báo việc với thiên đình, tâu trình Ngọc Hoàng đời sống của muôn dân. Bởi no đủ đói kém hiện ra ở bữa ăn của mỗi nhà.

***

Nới rộng ra, có một thứ lửa nữa, cao hơn, nằm trong con người. Đó là ý chí của tinh thần con người, thứ được ví như lửa. Người nuôi chí làm việc thì phải giữ được lửa trong người. Đó là ý thức tiến thủ, là khát vọng sáng tạo.

Khi con người mất lửa làm việc thì không khác gì bếp tắt, tro tàn.

Những ước mong khám phá luôn như ngọn đèn đang thắp, cục than hồng trong bếp hoặc cái nùn rơm, cái bật lửa hoặc que diêm. Chỉ lửa mới cho sự bùng phát. Nên lửa luôn là mầm sáng tạo của cuộc sống bất diệt.

Ngọn lửa Olympic chính là tinh thần ấy!

Họa sĩ Đỗ Đức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›