Một lần về quê ăn giỗ, bà chị họ chỉ cho một bức trướng treo trên tường từ đường bảo tôi: đây là những điều các cụ ngày xưa trong dòng họ dạy đấy, cậu chưa có thì chép lại đi.
Nhìn bức trướng chi chít chữ đã phủ bụi thời gian, nhiều chỗ đã ố vàng, chắc treo ở đây đã lâu nhưng không ai xem. Tôi bảo chị: Em biết rồi. Chị hỏi lại: em biết gì nào?
Tôi bảo: Người xưa viết dài nhưng theo em chỉ gỏn gọn có hai chữ thôi. "Thế hai chữ gì"? - "Hai chữ TỬ TẾ" - tôi thong thả trả lời - "Là người hãy sống tử tế. Tất cả các lời giáo huấn xây dựng nhân cách con người gom lại cũng hai chữ TỬ TẾ là đủ chị ạ. Em không cần chép lại đâu, mà có chép cũng không nhớ từng câu từng chữ".

Ảnh minh hoạ: Internet
"Hiểu những điều đó nằm gọn trong hai chữ tử tế là đủ lắm rồi chị. Em không thích lê thê dài dòng, chỉ rối chuyện! Trong cuộc sống cũng vậy, cũng nên nói ít làm nhiều. Nói chỉ là cái ý tưởng, làm mới ra cái cụ thể ích dụng đời cần.
Mà chị ạ, nói thì dễ, còn làm khó lắm. Làm phải có đủ nội lực kết hợp với ngoại lực, cùng với ý chí may ra việc mới thành!
Sống tử tế là đã tu rồi, trong khi vẫn gắn với gia đình, trách nhiệm đồng hành với xã hội đầy đủ".
Bà chị họ ngồi lặng rồi bảo, ngẫm ra cậu nói đúng. Dòng họ ta, những người sống tốt, thành đạt đều là những người tử tế cả. Tử tế từ lời ăn tiếng nói đến việc làm.
Nội hàm của TỬ TẾ nghe tưởng đơn giản nhưng rộng mênh mông từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trong nhà đến thế giới bên ngoài trong mọi hoạt động sống của con người.
Biết một điều để quán triệt nhiều điều là như vậy!
Càng lắm lời có khi càng làm hỏng chuyện. Viên kim cương nhỏ nhưng giá trị lớn, tảng đá to xù nhưng cắt ra chỉ được vài chục viên đá lát.
Nói ngắn mà minh bạch, đó là TỬ TẾ! Nhưng đó cũng mới chỉ là tiền đề thôi vì nó chỉ đang trên lý thuyết. Thực hành được hai chữ TỬ TẾ mới là điều đáng nói.
Tags