Ngẫm ngợi cuối tuần: "Kéo cưa lừa xẻ"

Chủ nhật, 30/06/2024 06:48 GMT+7

Google News

1. Nhà điêu khắc Vương Duy Biên có một bức tượng đồng dao mang tên Kéo cưa lừa xẻ. Bất ngờ quá, từ câu đồng dao anh đã cho ra tác phẩm điêu khắc mà tôi nhận ra về tư tưởng, nó mang tầm nhân loại. Nó dễ xem, dễ hiểu cho tất cả mọi người, dù không biết chữ hoặc khác ngôn ngữ.

Tác phẩm thể hiện 2 người "kéo cưa lừa xẻ" để chia nhau quả khế. Khế ngọt là một loại trái đặc trưng trong văn hóa Việt Nam. Đỗ Trung Quân làm thơ "Quê hương là chùm khế ngọt/ cho con trèo hái suốt ngày...".

Kéo cưa lừa xẻ chia nhau khế ngọt là các con chia nhau tài sản của cha mẹ đó. Khế ngọt là một thứ kế thừa rơi xuống đầu, cũng thật ngọt ngào vì đó là sự thừa hưởng không mất sức lao động. Món ấy, sung sướng nhất có lẽ chỉ là đứa trẻ con.

Ngẫm ngợi cuối tuần: "Kéo cưa lừa xẻ" - Ảnh 1.

NSND Vương Duy Biên bên tác phẩm điêu khắc “Kéo cưa lừa xẻ”. Nguồn: laodongthudo.vn

2. Tham vốn là bản năng của động vật. Chắc chắn là thế, và đó cũng là bản năng để con vật tồn tại. Tham đôi khi chỉ là biết giữ cái giá trị giúp mình tồn tại như cái ăn, cái uống. Con sóc biết nhặt hạt dẻ để cất giữ ở hang của mình cơ mà. Con người có nhận thức hơn, "tham việc" thì mới lo làm việc sáng tạo và xây dựng nên cơ ngơi. Nếu không "tham công tiếc việc", không có tích lũy  thì con người mãi mông muội như con vật và  xã hội không phát triển được.

Hãy quan sát đứa trẻ bú mẹ. Miệng ngậm vú này, tay giữ vú kia. Đó là tham! Trẻ tham từ lúc vô thức giữ miếng ăn. Khi rời vú mẹ thì tham chuyển làn sang tự tạo ra miếng ăn và tiện nghi cho mình.

Khái niệm "tham" có nội hàm rất rộng. Đều là ăn cả, nhưng ăn no, ăn tham, tham ăn tục uống, "ăn thùng bất chi thình" rất khác nhau về mức độ. Sang lĩnh vực khác về tình người: Tham vàng bỏ ngãi, tham bát bỏ mâm, ăn không nói có, ăn ốc nói mò... đều là tham cả.

Qua đấy để chúng ta cùng hiểu cái tham khi quá giới hạn, xâm phạm đến lợi ích của người khác, của muôn loài, của môi trường… thì đều hỏng và trở thành tai họa!

3. Bất ngờ hôm mới rồi tôi về quê ngồi trà lá với mấy bác già, nhân kể chuyện về bức tượng "kéo cưa lừa xẻ" của hai đứa trẻ đang cưa quả khế chia nhau, một cụ nghe xong ồ lên, sao lại có người khéo thế, tài thế. Kìa, một số quan tham chia nhau "đánh chén" tài sản của công thì là "kéo cưa lừa xẻ" đấy nhá! Cãi vào đâu được! Trong "cưa" còn có "lừa" nữa đấy. Hóm lắm, thâm sâu lắm.

Các tiền bối đã nói "Tay làm hàm nhai/ tay quai miệng trễ" - đó là đúc kết bao đời về giá trị của lao động. Hiểu điều đó mới có thể là người lớn, mới là trưởng thành, mới là người, mới không tham vô độ.

Họa sĩ Đỗ Đức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›