Ngẫm ngợi cuối tuần: Khi người ta nghèo

Thứ Bảy, 26/12/2015 11:50 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nói về đời một con người thì chẳng có ai giàu từ lọt lòng cả. Tất cả sinh ra đều hai bàn tay trắng (và cả khi chết đi thì cũng vậy thôi, vẫn hai bàn tay trắng, mang được gì đi đâu).

1. Sinh ra trong nhà giàu có, được hưởng quyền ăn ngon mặc đẹp, được học hành tử tế là đang được bao cấp từ bố mẹ. Còn tách rời ra thì cũng chỉ ngang thân với trẻ lang thang cơ nhỡ.

Nói thế để thấy con nhà nghèo phải lao vào kiếm sống sớm hơn. Kiếm sống từ khi tri thức còn đơn sơ, chủ yếu là hành động bản năng của giống nòi, rồi dần dần khá lên khi đúc rút được kinh nghiệm. Khi con nhà giàu cơ nhỡ thì khả năng tồn tại khó bằng đứa trẻ phải lăn lóc từ nhỏ. Để thích ứng với môi trường sống thì cũng vẫn mất một số thời gian thử thách không nhỏ.

2. Khi người ta nghèo, sẽ nảy sinh ra ba hướng lựa chọn.

Thứ nhất là chấp nhận hoàn cảnh, bằng lòng với năng lực của mình. Có thể sẽ khi no khi đói, nhưng sẽ là người lành sống bằng chính sức mình bỏ ra hoặc chịu sống dưới sự sai khiến của người khác.

Thứ hai, người không cam phận, có đầu óc một chút  thì sẽ tìm đủ mọi cách vươn lên trổ hết tài kiếm sống để thoát khỏi cái nghèo, sẽ trở nên rắn rỏi trước cuộc sống và thành đạt ở mức cao nhất trong khả năng của họ.

Thứ ba là lưu manh hóa. Trộm cắp lừa đảo với  mưu mẹo của loài thú, bất chấp đạo lý và thành kẻ hư hỏng  suốt đời.

Không có lựa chọn thứ tư. Người xưa nói: “người ba đấng, của ba loài” là cái ý đó.

Ba cách lựa chọn này thì ở nông thôn hay thành thị đều có những hạng người như vậy. Tuy vậy, cách lựa chọn thứ nhất thì ở nông thôn nhiều hơn, nghĩa là chấp nhận hoàn cảnh, sống lành với năng lực của mình. Sự vươn lên có nhưng không nhiều vì tri thức hạn chế.

Hai lựa chọn sau xảy ra nhiều hơn ở nơi phố phường. Nơi đó có nhiều cơ hội mở đường hơn, về sự năng động của môi trường, về thông tin và cơ hội đều náo nhiệt. Có người từ nghèo đói nhưng chủ động trước cuộc sống với bản lĩnh cứng cỏi của mình đã vươn lên  thành đạt. Có thể thấy nhiều ví dụ ở trường  hợp này.

Còn lựa chọn thứ ba, thành lưu manh hư hỏng, thuộc về hạng người ham hố nhiều muốn đi tắt kiếm lợi nhanh cho mình, tự đẩy mình vào chốn từ tội, đánh mất cả cuộc đời.

Ba sự lựa chọn này thực ra nó có ở đủ các tầng lớp ở cao xuống thấp. Từ lao động chân tay đến lao động trí óc, từ dân đen đến trí thức, từ làm ăn kinh tế đến chính trị  hay nghiên cứu khoa học hoặc làm nghệ thuật… đều có ba sự lựa chọn và đều có ba hạng người.

Đời mỗi con người, cuộc sống đều dành cho những cơ hội ngang nhau, ai mà chủ động thì nắm được cơ hội thì sẽ ngẩng mặt lên, ai không chủ động thì cơ hội có đến cũng tuột mất vì không có khả năng bắt  giữ.

Cho nên câu chuyện học nữa, học mãi, là như vậy, học để tạo ra cho mình cái vốn đối ứng khi cơ hội đến thì đủ năng lực nắm giữ (không phải học gạo, lý thuyết suông). Không có thành công cho loại người lêu lổng. Chân lý ở đời là vậy.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›