Ngẫm ngợi cuối tuần: Lão nông tri điền

Thứ Bảy, 01/07/2023 08:49 GMT+7

Google News

Nước ta là nước nông nghiệp. Con người đi lên từ đồng ruộng rừng núi, nương theo thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên để sống, nên hình thành một lớp người lao động giỏi giang, gọi là "lão nông tri điền".

Đó là tầng lớp tinh hoa của nông thôn hiểu biết kỹ càng về nghề nông do tích lũy kinh nghiệm của tiền bối để lại và trong kiếm sống trên thực địa.

"Lão nông tri điền", nghĩa đen là người làm ruộng lâu năm hiểu biết nhiều nhất về ruộng đất và canh tác. "Lão nông tri điền" nhìn trời đất đoán thời tiết. Thấy kiến leo tường biết là sắp mưa bão, nếu kiến leo tường mà cắp theo trứng và kiến non thì sắp mưa to và mưa liên miên.

Bố tôi ngày trước gieo mạ vụ chiêm, tối hay nhìn sao tua rua để định ngày làm được mạ. Gieo mạ mà gặp mưa rào thì hạt mầm trầm xuống bùn thối hết. Rồi xem sao thần nông để dự xem rồi đây nắng hạn dài ngắn thế nào. Lại còn nhìn "Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa", nhìn sao thần nông hình con vịt, thấy đầu nó chúc xuống thì hạn sẽ kéo dài. Nhìn trai nước (một vệt ngắn hình con trai trên đám mây có sắc cầu vồng, gọi là mống, có câu "Mống cụt không lụt thì bão") vào các buổi sớm hoặc chiều đoán biết mưa gió những ngày tới.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Lão nông tri điền - Ảnh 1.

“Hạnh phúc” - tranh màu bột của Đỗ Đức, 1973

"Lão nông tri điền" nhìn xương đùi con ếch trong bữa ăn biết xương đen thì trời sẽ ẩm thấp, mưa kéo dài; xương trắng thì sẽ coi chừng nắng hạn. Nhà thơ người Dao Bàn Tài Đoàn xuất thân nông dân, viết câu thơ đại ý: Tháng 3, nghe tiếng ếch kêu đau người suốt 3 ngày...là nói thời tiết đổi mùa rất độc.

Lão nông vào rừng, biết loại dây gì chặt ra mút lấy nước chống cơn khát. Biết chặt cây giang, cây nứa lấy đoạn nào sẽ được cả ống sạch như nước cất. Biết tìm củ nâu về nhuộm vải, cắt dây nâu về làm chạc trâu, tìm dây cóc, dây gắm về làm điếu cày, dây mây đan óng cày và dây song về làm quang gánh.

Tháng Ba, ngày oi bức, lão nông vào rừng, bất ngờ gặp bãi chóp đin (nấm đất) đội mùn cỏ chui lên thì không những cả nhà được bữa canh ngon mà còn biết ngày một ngày hai sẽ có mưa rào. Vào rừng gặp cây ngót rừng thì hái làm bữa rau canh ngọt hơn nước mì chính. Biết quả dọc nướng lên nấu canh cua, thơm ngon hơn cà chua chục lần. Biết hái quả tai chua thái lát phơi khô đánh giấm nước rau muống, vị chua đậm đà chứ không gắt như chanh. Nhìn trồi sụt của thảm lá rụng trong rừng nứa, rừng giang để chọn đào lấy măng củ mới nhú ngon nhất. Không ai chặt măng khi nó đã  mọc cao hơn gang tay bao giờ.

Lão nông bắt gặp những cây thuốc như sa nhân, thảo quả, mắc khén hay hạt dổi thì không bao giờ bỏ qua. Còn bao nhiêu thứ ăn được như bứa, dâu da, quýt hôi, mua đất, dâu đất, phèn đen... Biết cây độc, quả độc, lá độc để tránh ăn nhầm ngộ độc, và biết những cây thuốc, cây rau canh có ích cho bữa ăn.

"Lão nông tri điền" nghe tiếng khọt khẹt như mọt phá gỗ của con dúi gặm rễ nứa,nhìn đất đùn ra, tìm cửa hang đoán lối thoát để khi đào, đổ nước biết dúi sặc sẽ chạy ra ngả nào để đón lõng không bắt trượt! Còn biết khi đêm xuống, thú rừng nhỏ  thường mò đi uống nước ở triền khe mà vạch lá khô nhìn ra lối lõng của con chuột, con sóc, con chồn, gà lôi để đặt cạm bắt chúng. Nhìn vết móng chân bé xíu hạt vừng mà phân biệt được  loại gì để đặt cạm to, cạm bé. Thú rừng không bao giờ đi vào lõng của nhau!

"Lão nông tri điền" khi làm cái cày dùng trên đất mình canh tác phải hiểu mặt đất thịt dày mỏng để khi đẽo con cá trên náng cày để mấy khấc, điều chỉnh độ nông sâu của mũi cày. Cá sâu thì  lưỡi cày xới cả cát lên mặt nền thì hỏng bét!

   ***

Tri thức của "lão nông tri điền" còn nhiều thứ lắm. Họ là nhà khoa học dân gian thực sự của đất nước nông nghiệp. Có người không biết chữ nhưng hiểu biết rất phong phú. "Lão nông tri điền"  không nói "chinh phục thiên nhiên" mà nói dựa vào đồng ruộng sông núi mà sống.

Chỉ "lão nông chi điền" hiểu đất,hiểu trời,hiểu người!

Họa sĩ Đỗ Đức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›